Hà Nam: Khó khăn trong bảo vệ môi trường nông thôn ở Bình Lục

Theo Báo Hà Nam|11/10/2017 07:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng có nguy cơ tăng cao. Nguyên nhân là do các nguồn phát thải không được kiểm soát chặt chẽ và xử lý hiệu quả. Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít khó khăn.

Hà Nam khó khăn trong bảo vệ môi trường nông thôn ở Bình Lục

Trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có 211 tổ thu gom rác thải, 32 bể trung chuyển rác. Các tổ thu gom rác thải hoạt động đều đặn. Thế nhưng, kể từ khi Công ty cổ phần Môi trường Ba An gặp sự cố trong công tác xử lý rác, lượng rác thải sinh hoạt ở Bình Lục tồn đọng khá nhiều tại các khu dân cư.

Trước thực trạng này, UBND huyện Bình Lục chỉ đạo các xã tìm vị trí chôn lấp rác thải sinh hoạt phù hợp với quy hoạch và tiến hành kỹ thuật xử lý rác sinh hoạt: rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng và khử mùi tại các vị trí chôn lấp và bể trung chuyển rác. Bình Lục tổ chức các lớp tập huấn tại 19 xã, thị trấn. Đồng thời, tuyên truyền tới các hộ dân thực hiện phân loại rác ngay tại hộ gia đình để giảm lượng rác phải chuyển tới nơi xử lý tập trung. Huyện đã hỗ trợ 1,33 tỷ đồng cho các xã thực hiện công tác chôn lấp, xử lý rác với tổng khối lượng 9.850 tấn.

Năm 2016, xã Bình Nghĩa có nhiều bãi rác tồn đọng lâu ngày, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Kể từ khi thành lập các tổ thu gom rác thải, Bình Nghĩa khắc phục được tình trạng trên. Đồng chí Phạm Thị Liên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Nghĩa chia sẻ: Nhận thức rõ tác hại của ô nhiễm môi trường từ rác thải, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo quyết liệt công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt. Đi đôi với đó, xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã đối với công tác vận động hội viên, làm tốt việc phân loại rác thải tại hộ, đóng góp ngày công lao động, thu dọn xử lý những đống rác tồn đọng lâu ngày. Ở Bình Nghĩa hiện nay, đối với những xóm thực hiện phân loại rác tại hộ, lượng rác phải đem đi xử lý tập trung đã giảm được 30-40% so với trước khi chưa phân loại.

Hiện nay, HTXDVNN Cát Lại, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam đang làm tốt dịch vụ thu gom rác thải. Chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, cụ thể đối với công việc thu gom rác thải. Tuy vậy, Bình Nghĩa vẫn còn một số xóm chưa thành lập được tổ thu gom rác. Đồng chí Phạm Thị Liên cũng khẳng định: Diện tích đất dành để chôn lấp rác thải tập trung ở xã không còn nhiều. Xử lý bằng công nghệ phun thuốc khử trùng là cách xử lý hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Song cũng chỉ mang tính chất tạm thời, vì nhiều loại rác thải rất khó phân hủy. Về lâu dài, cần phải làm tốt việc phân loại rác thải tại hộ và có giải pháp kỹ thuật để xử lý rác hiệu quả hơn.

Nhiều xã ở Bình Lục đã thực hiện thu gom rác thải như cách mà xã Bình Nghĩa đang làm. Có điều, nhận thức của một bộ phận dân cư về bảo vệ môi trường còn hạn chế, còn tình trạng vứt rác ra các khu đất trống và khu công cộng. Nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường để xử lý rác càng ngày càng tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo đánh giá của UBND huyện Bình Lục, công tác thu phí vệ sinh môi trường và thành lập tổ thu gom rác thải trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở, hộ dân không ký hợp đồng thu gom rác. Khó xác định được lượng rác phát thải thực tế, trong khi, UBND các xã chưa quyết liệt trong chỉ đạo thu phí vệ sinh môi trường. Số tiền thu được từ thu gom rác thải của các hộ gia đình đến bể trung chuyển rác không đủ để trả lương cho công tác thu gom. Chính vì vậy, một số thôn, xóm không thành lập được tổ thu gom, rác thải tồn ứ trong dân cư vẫn còn.

Không chỉ đối với việc thu gom rác thải, Bình Lục cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn. Bình Lục hiện có 5 trang trại chăn nuôi có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có đề án bảo vệ môi trường được UBND tỉnh phê duyệt. Cũng theo UBND huyện Bình Lục, trong quá trình chăn nuôi, một số trang trại vẫn chưa thực hiện đúng quy trình, công nghệ xử lý chất thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Bình Lục còn có gần 7.000 hộ chăn nuôi với quy mô vừa và lớn. Tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 165.000 con. Có thời điểm, riêng xã Ngọc Lũ có gần 70% số hộ nuôi lợn, tổng đàn thường xuyên duy trì trong khoảng từ 37.000-40.000 con. Nhiều năm qua, môi trường chăn nuôi ở Ngọc Lũ vẫn chưa được xử lý hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. UBND huyện Bình Lục khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tại hộ. Song do kinh phí đầu tư lớn nên nhiều hộ dân không mạnh dạn đầu tư.

Có nhiều phương án xử lý môi trường chăn nuôi lợn tại Ngọc Lũ được đưa ra, bao gồm cả phương án thu chất thải, sản xuất điện năng. Tuy nhiên, chưa có phương án nào thực thi hiệu quả. Ngọc Lũ vẫn là tâm điểm về ô nhiễm môi trường ở Bình Lục. Hiện nay, tổng đàn lợn ở Ngọc Lũ đã giảm nhiều so với năm trước. Song, ô nhiễm môi trường vẫn chưa thể khắc phục được.

Huyện Bình Lục, Hà Nam xác định, bảo vệ môi trường nông thôn cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ công tác quản lý, đến tổ chức thực hiện. Bình Lục đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về thu gom, xử lý rác thải. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện bổ sung kinh phí phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho địa phương; ban hành quy định cụ thể về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn quy định về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với chăn nuôi nông hộ, tạo cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn.

Theo Báo Hà Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Khó khăn trong bảo vệ môi trường nông thôn ở Bình Lục