Hà Nội - Bài 2: Cơ quan chức năng, chuyên gia nói gì về quy hoạch đường Lê Văn Lương bị "băm nát"?

Giang Anh|29/06/2022 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Liên quan đến những sai phạm này, đại diện cơ quan chức năng, các chuyên gia đã đưa ra ý kiến của mình.

Không điều chỉnh quy hoạch chạy theo lợi nhuận nhà đầu tư

Tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 13/6, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng, chiếm diện tích cây xanh quanh tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết trong kết luận thanh tra Bộ đã chỉ ra nhiều vi phạm, đặc biệt là các chủ đầu tư không tuân thủ quy định về cây xanh.

"Thực tế, công tác thanh tra cần phải đạt 2 yêu cầu chỉ rõ vi phạm và qua đó rút ra biện pháp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh. Ví dụ, sau khi thanh tra 18 chủ đầu tư, 7 ban quản trị, Bộ đã yêu cầu trả 450 tỷ đồng cho người dân. Sau đó thanh tra Bộ được giao cải thiện công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư", ông nói.

Ông Tuấn cho biết thời gian tới, sau khi thanh tra một số công tác quy hoạch, thanh tra Bộ sẽ kiến nghị 7 nhóm vấn đề thành chỉ thị của lãnh đạo Bộ để chấn chỉnh thiếu sót vi phạm của chủ thể tham gia, giám sát, kiểm tra, thực hiện trong và sau quy hoạch.

"Trước hết, yêu cầu địa phương rà soát, quản lý điều chỉnh, bổ sung các nội dung còn thiếu của văn bản thuộc cấp. Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch được điều chỉnh, phê duyệt, chấp thuận phải được gửi hồ sơ về các quận, huyện giám sát. Thực tế, các vi phạm tại địa phương chậm được phát hiện hoặc phát hiện xong khó xử lý... chủ yếu do thiếu sót vấn đề này", ông nêu.

Ngoài ra, đề nghị địa phương rà soát lại toàn bộ quy hoạch chung. Đồng thời, thanh tra Bộ đề xuất tiếp tục chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư hạ tầng xã hội như trường học, cây xanh.

"Trong một số kết luận thanh tra, diện tích cây xanh, tiện ích xã hội thiếu rất nhiều. Sắp tới, Bộ sẽ có nghiên cứu để chấn chỉnh vấn đề này", Chánh thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương chấn chỉnh việc lập thẩm định phê duyệt quy hoạch. Công tác quản lý nhà nước về thanh tra kiểm tra cũng phải được kiểm soát như xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức cá nhân điều chỉnh sai quy hoạch.

lvl3.jpg
Việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch là một trong những nguyên nhân khiến quy hoạch đường này bị "băm nát".

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết không điều chỉnh quy hoạch các đô thị chạy theo lợi nhuận nhà đầu tư. Theo ông, với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh song không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị sau 10-20 năm không phù hợp có thể điều chỉnh.

"Nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư", ông nói.

Có hay không lợi ích nhóm?


Một số chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đánh giá KLTT số 39 cơ bản đã làm sáng tỏ được nguyên nhân khiến tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thành “đường đau khổ” khi oằn mình cõng hàng chục tòa nhà cao tầng cũng như sự yếu kém trong quản lý quy hoạch của TP.Hà Nội qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Dư luận đã bức xúc nhiều năm trước tình trạng này nhưng vì sao năm 2020, Bộ Xây dựng mới có đoàn thanh tra? Trong KLTT chưa nêu rõ nhưng cơ quan công an cần đặt nghi vấn có hay không lợi ích nhóm, tham nhũng trong các lần điều chỉnh quy hoạch để làm rõ. Nhất là giai đoạn sau năm 2008, thời các ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, do trong giai đoạn này, nhiều công trình được điều chỉnh một cách mạnh tay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho biết trước đây ủy ban này đã giám sát về thực hiện chính sách pháp luật theo luật Nhà ở tại TP.Hà Nội và chỉ ra nhiều vi phạm trong quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch đô thị. “Không phải tới khi Thanh tra Bộ Xây dựng công bố KLTT về quy hoạch khu vực dọc đường Lê Văn Lương khi chỉ 2 km đường mà hàng chục chung cư cao tầng mọc lên ở đây người ta mới biết những bất cập trong quy hoạch đô thị của Hà Nội. Những vi phạm trong vấn đề này có từ lâu và đã thành hệ thống rồi. Việc này tôi nghĩ rằng cần phải thanh tra làm rõ, chỉ ra sai phạm và xử lý nghiêm đối với những người liên quan”, ông Hòa nói.

Bên hành lang Quốc hội sáng 15/6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi rút kinh nghiệm và giao các phòng rà soát lại vấn đề này".

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) chia sẻ, những vấn đề liên quan tới hệ luỵ do quy hoạch kém tại trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là vấn đề được cử tri rất quan tâm.

"Rừng chung cư, cao ốc dày đặc ở tuyến phố nêu trên làm "méo mó" quy hoạch, khiến các tuyến đường này cứ mưa là ngập, tắc đường liên miên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Thủ đô", ông nói.

Theo đại biểu Lâm, quy hoạch phải đồng bộ từ vấn đề hạ tầng. Từ các hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ cho người dân. Theo đó, khi xây dựng các quy hoạch cần phải tính toán được quy mô dân số, quy mô xây dựng nhà ở, chợ dân sinh, công viên vui chơi… Cử tri mong quy hoạch giải quyết được những vấn đề đó.

"Thực tế là thời gian qua chúng ta có làm quy hoạch nhưng chắp vá, manh mún và chất lượng kém. Việc này dẫn đến cứ đụng đến đâu, đến chỗ nào cũng có vấn đề. Gốc của vấn đề vẫn là chất lượng quy hoạch kém, tổ chức thực hiện quy hoạch không nghiêm"- Đại biểu Lâm nêu vấn đề.

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, vấn đề đặt ra đó là cần khắc phục chất lượng quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch. Trong đó, giải pháp trước mắt đề ra là cần khắc phục những vấn đề nóng, bức xúc cho người dân như quy hoạch cấp thoát nước phải làm trước, làm khẩn trương. Vấn đề tắc đường phải giải quyết đồng bộ từ việc cấp phép xây dựng, quy hoạch đến tái định cư di dân.

"Cần lo xử lý những việc thiết thực đang là hệ lụy, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đây là những vấn đề cấp bách mà người dân mong muốn. Những điều mà chúng ta nhìn thấy trước mắt thì cần giải quyết ngay. Còn về lâu dài thì cần tính toán nâng cao chất lượng quy hoạch", ông Lâm cho hay.

Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn thành phố Hà Nội) cho hay, các dự án đô thị của Hà Nội được điều chỉnh quy hoạch trong thời gian vừa qua phát sinh rất nhiều bất cập như áp lực về gia tăng giao thông đô thị và áp lực lớn nhất đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực là an ninh trật tự, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội.

"Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường. Qua đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế... Gánh nặng sẽ đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách Nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có", đại biểu Trần Việt Anh nêu.

Ông cho rằng, cần có khảo sát đánh giá tác động của dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp quốc tế, các quốc gia trong khu vực đã áp dụng, đó là chính sách chuyển quyền phát triển không gian với những lợi ích và cơ chế đem lại. Đó là tái phân bổ lợi ích vượt khỏi ràng buộc về vị trí, chính quyền nắm quyền kiểm soát để ràng buộc các bên giảm áp lực và có thêm nguồn lực.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.

Theo ông Tùng, một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động. Hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập.

Để không còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải tham vấn cộng đồng bài bản. Sau đó, quy hoạch phải được công khai để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi.

Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng thừa nhận, hiện nhiều địa phương đầu tư kinh phí lớn cho công tác quy hoạch xây dựng, song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ quy hoạch được đề ra trước tiên sau đó lại bị điều chỉnh bởi các nhóm lợi ích khác nhau, hậu quả là người dân gánh chịu.

Theo chuyên gia này, chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch địa phương có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể được thông qua, phê duyệt.

"Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học" - ông Quảng cho biết.

GS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP Hà Nội cho rằng, các công trình sai phạm phải được đưa trở lại đúng chức năng như trong quy hoạch vốn có. Không thể để trục đường bị “nhồi” đến cả trăm toà cao ốc.

“Lãnh đạo thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, không thể để chủ đầu tư bán nhà lấy lãi xong bỏ mặc người dân, đi lại ùn tắc, khổ sở”, ông Nghiêm nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, giảng viên Trường Đại học GTVT, người có chuyên môn sâu về quy hoạch cũng tỏ ra ngao ngán với những lần điều chỉnh quy hoạch của TP. Hà Nội trên trục đường.

“Nhà tôi hiện sinh sống trên trục đường Nguyễn Tuân, ngày qua ngày phải chịu cảnh ùn tắc mà không biết phải làm thế nào, cực kỳ mệt mỏi. Cần phải trả lại quy hoạch cho trục đường, thậm chí tháo dỡ công trình sai phạm. Nếu không thì các giải pháp như cấm xe máy, thu phí nội đô … cũng chỉ là những bài toán tình thế”, bà Thuỷ nói.

mnhuong.jpg
TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích: "Hà Nội là Thủ đô của cả nước cho nên sự phát triển là niềm tự hào chung chứ không phải riêng gì địa phương. Những người làm lãnh đạo của các cơ quan quản lý tại Hà Nội cũng phải hiểu được điều này để thấy được trách nhiệm của mình và để hiểu rõ hơn khi đã ở vị trí lãnh đạo thì phải làm cho đúng, đừng vì lợi ích riêng mà gây ảnh hưởng tới mục tiêu chung.

Từ hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong quản lý quy hoạch đô thị tại Hà Nội thời gian qua, dư luận có lý khi đặt ra trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội được giao phụ trách vấn đề này cũng như người đứng đầu TP. Hà Nội. Nếu các chủ đầu tư xin "điều chỉnh" quy hoạch, thay đổi so với ban đầu làm tăng tỷ lệ xây dựng lớn như vậy thì trách nhiệm của các đồng chí ra sao khi xảy ra thực trạng như hiện nay? Tôi chưa thấy công khai xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân nào".

Chúng ta phải thẳng thắn đặt ra vấn đề trách nhiệm với những cán bộ là lãnh đạo của các cơ quan này bởi vì thực tế đã có nhiều khu vực có sự "điều chỉnh" thay đổi quy hoạch mà nhiều người nói thẳng là bị “băm nát”. Còn nếu các chủ đầu tư tự ý thay đổi quy hoạch thì xử lý trách nhiệm thế nào, có nghiêm minh không, có kiên quyết không? Vai trò quản lý cơ sở của các chủ tịch quận, chủ tịch phường ra sao khi để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng liên tiếp như vậy?

"Tôi mong rằng trong thời gian tới đây, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Hà Nội phải siết chặt được vấn đề quản lý quy hoạch, không cho phép lợi dụng "điều chỉnh" tràn lan làm tăng tỷ lệ, mật độ xây dựng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực nặng nề lên hạ tầng giao thông đô thị như hiện nay", ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch bị phá vỡ mà cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ tham vọng của các chủ đầu tư muốn tăng nhanh lợi nhuận. Chính từ điều trên, liên quan đến cơ chế xin cho, các cơ quan tổ chức Nhà nước còn buông lỏng quản lý, đôi khi còn thông đồng, thỏa hiệp với chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư muốn lách luật, họ có thể làm việc với một cá nhân hoặc một bộ phận trong cơ quan tổ chức Nhà nước tìm lý do để điều chỉnh thông số kỹ thuật của khu đô thị đó sao cho có lợi ích nhiều nhất. Người cho phép làm điều này cũng được hưởng lợi chung. Đây chính là lợi ích nhóm mà người ta thường hay nói đến.

Bên cạnh đó, do chính quyền, địa phương chưa quán xuyến, thiếu trách nhiệm giám sát trong quá trình chủ đầu tư xây dựng dự án đó nên khi mà mọi sự đã rồi, cộng đồng dân cư phát hiện, cơ quan Nhà nước mới bắt đầu vào cuộc thì đã muộn. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự phá vỡ quy hoạch, trong đó nguyên nhân quan trọng nữa là mọi đồ án quy hoạch bao giờ cũng kèm theo một quy định về quản lý theo đồ án quy hoạch hay quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đã được các cấp phê duyệt nhưng họ lại buông lỏng quản lý những điều đó và tìm cách thay đổi.

Bàn luận về việc điều chỉnh quy hoạch Hà Nội một cách tùy tiện, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội cần phải được xem xét và xử lý nghiêm minh. Ông Phong đặt câu hỏi, tại sao lại để xảy ra tình trạng xây quá nhiều nhà cao tầng, xây vượt tầng làm tăng dân số cơ học mà điển hình những năm gần đây là khu vực Linh Đàm và Gia Lâm xảy ra vi phạm, mật độ xây dựng các nhà chung cư cao tầng quá lớn. Và hiện nay là dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu cũng đã có quá nhiều nhà cao tầng.

"Một lần nữa, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Việc thay đổi quy hoạch bất thường là trách nhiệm của ai? Nếu như không xử lý trách nhiệm cá nhân thì không thể ngăn chặn được nguy cơ quy hoạch tiếp tục bị băm nát", TS. Nguyễn Minh Phong nói về thực trạng công tác quản lý quy hoạch ở Thủ đô.

Có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện quy hoạch lại trở nên nhức nhối và được dư luận quan tâm nhiều như hiện nay. Để xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thị đặc biệt là hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, việc quy trách nhiệm cần phải đánh giá cả hệ thống chính sách, pháp luật… Hơn hết, phải xem xét cụ thể trách nhiệm từng cá nhân để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Bài 2: Cơ quan chức năng, chuyên gia nói gì về quy hoạch đường Lê Văn Lương bị "băm nát"?