Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa hoạt động trong khu dân cư, dân khóc ròng

Minh Tường (TH)|17/05/2017 02:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khói đen ngòm, khét lẹt thải ra khiến môi trường sống của người dân xã Tiên Dược bị “bức tử” từng ngày

(Moitruong.net.vn) – Thời gian gần đây, 27 cơ sở tạo hạt nhựa trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược đã bị cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cưỡng chế. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số cơ sở này lại chuyển máy móc, thiết bị vào hẳn khu dân cư hoạt động, khiến môi trường sống bị “bức tử” từng ngày.

Hơn chục năm nay, gần 17.000 hộ dân của xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn – Hà Nội) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do quá trình hoạt động của hàng chục cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, giặt bao tải, sản xuất gioăng kính. Các cơ sở sản xuất này hoạt động từ năm 2004 và tập trung chủ yếu ở thôn Dược Hạ (xã Tiên Dược).

Thực trạng ô nhiễm tại xã Tiên Dược đã được người dân địa phương phản ánh lên cơ quan chức năng và cùng với đó là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí. Ngay sau đó, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược đã ra thông báo đến từng hộ dân và phối hợp với các ban, nghành, đoàn thể của địa phương vận động 10 hộ hoạt động trên đất nông nghiệp ngừng hoạt động.

xã tiên dượcSau khi bị cưỡng chế một số hộ dân đã chuyển máy móc, nguyên liệu vào khu dân cư để hoạt động

Đến đầu tháng 12/2016, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược tiếp tục tổ chức cưỡng chế thành công 27/27 cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế hoạt động trên đất công và nông nghiệp.

Nhưng, ngay sau thời gian bị cưỡng chế, một số hộ lại chuyển máy về khu vực dân cư tại thôn Dược Hạ để sản xuất nhựa tái chế. Chính điều này đã làm cho môi trường sống của người dân xung quanh bị “bức tử” từng ngày bởi ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn.

Theo phản ánh của một số người dân sống tại thôn Dược Hạ, hàng ngày họ phải hít mùi nhựa khét lẹt, sống trong bầu không khí đầy khói đen, cống rãnh bốc mùi hôi thối và tiếng ồn inh tai nhức óc do máy móc hoạt động hết công suất 24/24 giờ.

ông năng - xã tiên dượcÔng Dương Văn Năng – Chủ tịch UBND xã Tiên Dược 

Trước thực trạng này, ông Dương Văn Năng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược cho biết: “Sau khi bị cưỡng chế, các hộ dân này chuyển máy móc về sản xuất trên đất thổ cư của hộ gia đình. Do đó việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Bởi, hành vi “chuyển mục đích sử dụng đất trái phép” trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP không có quy định nào về hành vi vi phạm “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang các loại đất khác” cụ thể là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp như các hộ đang hoạt động”.

Để xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, trả lại môi trường sống cho người dân thôn Dược Hạ, ông Năng cũng cho biết, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, phòng Tài nguyên và môi trường huyện sớm công bố kết quả cụ thể về việc phân tích mẫu thu được tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ đó có biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm.

Minh Tường (TH)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa hoạt động trong khu dân cư, dân khóc ròng