Hà Nội: Đang ngồi ghế đá trong công viên, bé trai bất ngờ bị rắn hổ cắn

Hà Thu (T/h)|24/08/2018 03:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Thông tin từ BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị rắn cắn tại Linh Đàm vào cấp cứu. Kết quả khám chuyên khoa tại BV Bạch Mai cho thấy, khi vào viện, bệnh nhi tỉnh táo, không liệt chi, không khó thở, không sụp mí. Vùng cẳng chân phải có vết rắn cắn gồm nhiều răng, không sưng nề, bầm tím. Tại thời điểm thăm khám, bệnh nhi chưa có chỉ định dùng thuốc kháng huyết thanh và được đề nghị tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ.

Vết răng rắn trên chân cháu bé

Thông tin với báo chí, chị H.C (Hoàng Mai, Hà Nội), mẹ của bệnh nhi, khoảng 9h45 ngày 23/8, con trai chị H.C cùng bà sang công viên Linh Đàm chơi. Trong lúc đang ngồi ghế đá, cháu bé bất ngờ bị rắn phi ra cắn vào chân. Thấy cháu trai hét lên thất thanh, bà của cháu quay lại nhìn thỉ chỉ kịp thấy con rắn vừa chạy khuất vào bãi cỏ.

Sau khi tai nạn xảy ra, chị H.C cho biết đã đưa con trai qua một phòng khám gần khu vực để sơ cứu rồi tiếp tục chuyển con lên Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên rắn xuất hiện tại khu vực chung cư Linh Đàm. Ngày 1/5 vừa qua, kíp bảo vệ trực đêm tại khu vực tòa Trung chung cư Rice City Tây Nam Linh Đàm đã phát hiện và bắt được một con rắn hổ mang “khủng” có chiều dài hơn 1m và nặng khoảng 1kg. Trước đó, tại khu HH2B chung cư Linh Đàm, chỉ cách chung cư Rice City Tây Nam Linh Đàm mấy trăm mét, người dân cũng phát hiện một con rắn ráo lớn, dài khoảng 1,2m. Con rắn này rơi bộp trên mái hiên nhà rồi sau đó tấn công những người xung quanh, người dân xung quanh đã phải cùng phối hợp để bắt con rắn.

Cũng theo một số cư dân, họ đã từng chạm trán với rắn tại đây. “Khu nhà mình đầy rắn, có lần em đèo con nhỏ đi học có con rắn to đùng từ bãi đất trống bò ra giữa đường, hai mẹ con sợ suýt ngã”, một cư dân chia sẻ.

Cách sơ cứu rắn độc cắn

– Sau khi bị rắn độc cắn, cần sơ cứu ngay, để loại bỏ bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển của nó từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân, ngăn chặn và xử trí sớm các biến chứng trước khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế.

– Khi sơ cứu cho bệnh nhân, cần trấn an người bệnh, không để bệnh nhân tự đi lại. Cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp, nhất là khi bị rắn độc cắn vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

– Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng…) cố định chân, tay bị cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

– Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

– Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay…). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

– Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân…

Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Hà Thu (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đang ngồi ghế đá trong công viên, bé trai bất ngờ bị rắn hổ cắn