Hà Nội: ‘Đường tắc hơn khi thông xe cầu cạn Vành đai 2’

Quỳnh Trang|11/11/2020 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước khi thông xe cầu cạn Vành đai 2, khu vực Ngã Tư Sở chỉ ùn ứ khoảng 500 m, còn giờ đây tắc đường dài tới hơn một km.

Từ ngày 9/11, đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở) chính thức được thông xe, còn đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy vẫn chưa xong phần giải phóng mặt bằng.

Theo phân luồng giao thông, trên tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng và ngược lại), chỉ xe ô tô được phép lưu thông, còn các phương tiện khác (xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ) và người đi bộ hoàn toàn bị cấm.

Nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện, hai đầu đường vành đai 2 trên cao (đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng) đã được thiết lập dải phân cách an toàn với biển mũi tên chỉ hướng phản quang và có lực lượng chức năng điều phối, hướng dẫn lái xe đi đúng phần đường quy định trong giờ cao điểm.

Cầu vượt đã được thông, nhiều ô tô đã chủ động lưu thông lên đường trên cao để tránh ùn tắc giao thông tại đường dưới thấp. Tuy nhiên, số lượng phương tiện di chuyển trên đường vành đai 2 trên cao vẫn tương đối ít do nhiều người chưa quen đường.

Để đảm bảo giao thông trên tuyến đường, lực lượng chức năng của thành phố sẽ hướng dẫn phương tiện lưu thông trên đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng) sau thời gian thông xe 15 ngày.

Ùn tắc hướng Trường Chinh – Láng sáng 10/11, phương tiện xếp hàng dài di chuyển rất chậm qua ngã tư

Sau khi đưa vào khai thác, đường vành đai 2 trên cao được kỳ vọng sẽ giúp giao thông khu vực đường Trường Chinh, đặc biệt tại nút giao thông Ngã Tư Sở được giảm tải với hệ thống giao thông hai tầng.

Để điều chỉnh giao thông thuận lợi, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm như sau: Cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao Ngã Tư Sở, các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thắng ra Trường Chinh, hoặc rẽ phải liên tục ra Nguyễn Trãi.

Điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phục vụ pha đèn hướng Tây Sơn rẽ trái đi thẳng (21 giây/xanh) điều tiết cho 3 hướng giao thông còn lại cho phù hợp.

Theo phản ánh của một số người dân hai bên đường và người đi đường, việc cho phép phương tiện lưu thông ở đường trên cao và phân luồng giao thông theo hướng mới chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.

Sáng ngày 10/11, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra tại khu vực Ngã Tư Sở, hàng dài phương tiện nối đuôi, di chuyển khó khăn theo hướng từ Tây Sơn đi Nguyễn Trãi, từ Trường Chinh đi đường Láng và ngược lại; ở chiều từ Nguyễn Trãi rẽ phải đi Trường Chinh, các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn.

Chị Nguyễn Mai Trang hàng ngày chia sẻ: Hướng rẽ trái từ Tây Sơn sang Trường Chinh đáng lẽ vẫn cứ cho rẽ được vì đường rộng. Giờ bắt các phương tiện phải rẽ qua đường Láng để quay đầu, trong khi đường này vốn đã quá tắc từ trước. Phân luồng bất hợp lý khiến đường càng tắc khủng khiếp. Mấy hôm đi mà tôi cảm thấy thật sự bất lực.

Quỳnh Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: ‘Đường tắc hơn khi thông xe cầu cạn Vành đai 2’