Hà Nội: Không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi đến mức khó xử lý

T.Bình (T/h)|08/08/2017 09:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành Công văn đề nghị doanh nghiệp thủy lợi thành phố, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện xử lý các vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

Tăng cường quản lý không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi đến mức khó xử lý 

Theo tổng hợp, trong tháng 6 trên địa bàn thành phố xảy ra 15 vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó, đã giải tỏa được 8 vụ (gồm 4 vụ vi phạm phát sinh trong năm 2017; số vụ tồn tại là 12 vụ. Lũy kế tổng các vụ vi phạm phát sinh tính đến hết tháng 6 là 66 vụ vi phạm, đã giải tỏa được 34 vụ.

Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, xử lý triệt để các vụ vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ tiêu thoát úng trong mùa mưa bão, các địa phương cần phối hợp tích cực với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tuyên truyền, vận động giải tỏa dứt điểm vi phạm. Đồng thời, kiên quyết không để tái vi phạm; chịu trách nhiệm với UBND thành phố về xử lý vi phạm trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, rà soát thiết lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa vi phạm phát sinh trong năm 2016. Nhất là vi phạm trực tiếp cản trở dòng chảy, trong lòng sông, lòng kênh, vi phạm trên trục chính sông Nhuệ, các trục tiêu chính đáp ứng nhiệm vụ chống úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp… Từng bước xử lý giải tỏa dần các vụ vi phạm tồn đọng cũ; không để phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vi phạm công trình thủy lợi; động viên các chủ vi phạm tự giác tháo dỡ phần vi phạm vào công trình thủy lợi. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi phát hiện, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi; cần có biện pháp cưỡng chế đối với các hộ chây ỳ, cố tình chống đối không chấp hành.

Các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố thường xuyên kiểm tra công trình theo quy định của pháp luật. Cử cán bộ, công nhân kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm ngay từ giờ đầu, phối hợp với các địa phương lập biên bản vi phạm; chủ động tham mưu trong rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch, phương án kiên quyết giải tỏa vi phạm ngay khi phát sinh, không để phát sinh phát triển đến mức khó xử lý.

Chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch giải tỏa vi phạm Tham mưu UBND quận, huyện, thị xã trong công tác giải tỏa vi phạm nhằm ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, tái vi phạm. Có biện pháp ngăn chặn, vận động các hộ dân không tự ý xây dựng cầu bắc qua kênh để phục vụ đi lại, phối hợp chính quyền xã vận động, xây dựng đường gom dân sinh thuận lợi cho người dân…

T.Bình (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi đến mức khó xử lý