Hà Nội: Khuyến khích phát triển những ngành nghề không gây ô nhiễm

27/12/2016 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 47/52 làng nghề thủ công truyền thống của cả nước (chiếm 90%), các nghề được phân bổ khắp các quận, huyện, thị xã của Thành phố. Tổng số làng nghề và làng có nghề là 1.350 làng, trong đó có gần 300 làng nghề đã được công nhận. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển những làng nghề không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo môi trường các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Qua khảo sát tại một số làng nghề thuộc 6 huyện trên địa bàn Thành phố cho thấy, hầu hết các làng nghề Hà Nội mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. 100% số làng nghề được quan trắc đều có chất lượng nước thải có ít nhất 3 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.

moi-truong-lang-nghe

Khuyến khích phát triển những làng nghề không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo môi trường các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội với UBND TP Hà Nội, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên như: ý thức của người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo môi trường tại các làng nghề truyền thống chưa cao trong khi một số địa phương có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý. Mặc dù Thành phố cũng đã có nhiều giải pháp nhưng chưa mang tính bền vững, tổng thể…

Trao đổi làm rõ những vấn đề các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề môi trường và luôn tìm hướng xác định, đầu tư để từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho rằng, vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề là một tồn tại khó giải quyết hơn nhiều so với các vấn đề ô nhiễm khác vì môi trường làng nghề còn liên quan đến truyền thống văn hóa, kinh tế và thói quen của người dân… Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh công tác tuyền truyền vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân; tăng cường các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ cấp cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án tránh dàn trải gây lãng phí.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, làng nghề truyền thống tạo nên nét văn hóa của người Việt Nam, tạo công việc cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số làng nghề trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các làng nghề này còn nhếch nhác, lộn xộn, một số làng nghề mất an ninh trật tự, đặc biệt ô nhiễm môi trường ở các làng nghề còn khá rộng và nghiêm trọng.

Bên cạnh nguyên nhân từ ý thức của người dân còn chưa cao, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng công tác tuyên truyền còn chưa đạt hiệu quả, đặc biệt là công tác xử lý vi phạm còn có sự kiêng nể… Do đó, thời gian tới, đồng chí đề nghị Thành phố cần tiếp tục quan tâm rà soát, ban hành hệ thống quy định các chính sách, giải pháp và triển khai thực hiện. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ môi trường tại các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, cần tăng kinh phí về môi trường; đổi mới nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; có chính sách khuyến khích phát triển những ngành nghề không gây ô nhiễm ít môi trường, đồng thời phải tập trung thực hiện quy hoạch, thực hiện di chuyển làng nghề ra xa khu dân cư…

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Khuyến khích phát triển những ngành nghề không gây ô nhiễm