Hà Nội: Nỗ lực đảm bảo môi trường sống trong lành

Thu Hà (T/h)|30/08/2018 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Theo thống kê có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông, trong đó chủ yếu là chất benzen. Uớc tính, mỗi năm tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân của Hà Nội vào khoảng 15%. Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành đã dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bên cạnh đó, quá trình hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phục vụ cho các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật như: Cầu, đường, hầm,… cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể. Ngoài ra, việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh và xây dựng các công trình đã làm gia tăng ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm không khí do khói bụi, hơi xăng dầu tại các vị trí ùn tắc.

Với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, TP Hà Nội đang như một công trường lớn với nhiều dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, khu đô thị mới, thời gian thi công kéo dài cũng gây ô nhiễm bụi cả khu vực rộng lớn.

Số liệu thu được từ các trạm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy không khí tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng Bezen vượt quy chuẩn Việt Nam 06: 2009/BTNMT từ 1,2 – 2,5 lần. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao như: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm…Đáng chú ý, chất lượng không khí tại các làng nghề và các khu vực dân cư phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn, đều ở mức kém và trung bình.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, chất lượng môi trường không khí của Thành phố đã có biểu hiện suy thoái, nhất là ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi, tại một số thời điểm đã vuợt giới hạn cho phép.

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Trước thực trạng đó, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi, tạo môi trường sống trong lành cho người dân Thủ đô. Trong đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng được các cấp chính quyền Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cùng với đó, Thành phố cũng đã ban hành các văn bản, chỉ thị và huy động các lực lượng chức năng tăng cường giám sát ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi; các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng bắt buộc phải được che chắn kín khi tham gia giao thông.

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Tích cực triển khai Chương trình trồng 1 triệu cây xanh với mục tiêu đến năm 2020 tăng diện tích cây xanh lên đến 9 – 10m2/đầu người.

Thành phố Hà Nội cũng tích cực phối hợp với Nhóm các thành phố đứng đầu về biến đổi khí hậu (C40) để tìm ra các giải pháp kiểm kê, xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động về kiểm kê khí nhà kính, giải quyết các thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu cho Thành phố.

Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát ô nhiễm không khí tại một số điểm trên địa bàn Thành phố. Xây dựng trạm rửa xe tại khu vực bãi trung chuyển, khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng và trên một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

Tăng cường phun nước và rửa đường vào các ngày nắng hanh khô, quét dọn và giữ gìn vệ sinh, đảm bảo đường phố luôn luôn sạch sẽ… Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, Hà Nội hy vọng sẽ nhận được sự chung tay của cả cộng đồng để ngăn chặn hiệu quả, đẩy lùi được tình trạng ô nhiễm không khí.

Thu Hà (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nỗ lực đảm bảo môi trường sống trong lành