Hà Nội: Nỗi lo tai nạn rình rập do cây đổ mùa mưa bão

Trang Hạ (t/h)|12/08/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những năm qua, việc cây xanh trên phố bất ngờ gãy đổ khi trời giông bão gây tai nạn, thậm chí làm chết người đã không còn là chuyện hy hữu. Nó trở thành mối lo ngại với người dân mỗi khi lưu thông trên đường.

Mới đây nhất vào rạng sáng 10/8, trận mưa dông tại thủ đô đã khiến một gốc cây lớn trên đường Trần Đăng Ninh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) bất ngờ đổ ra giữa lòng đường, khiến một người đi đường thiệt mạng.

Hiện trường vụ tai nạn do cây đổ ven đường khiến một người đi xe máy tử vong khi đang đi qua số nhà 269 phố Trần Đăng Ninh ngày 9/8/2019.

Đây không phải là lần đầu tiên sự việc thương tâm tương tự xảy ra ở Hà Nội. Chỉ cách đây 1 tháng, đã xảy ra vụ việc một cây phượng trồng trên vỉa hè phố Trích Sài bất ngờ bật gốc đúng lúc nhiều phương tiện đang lưu thông trên đường.

Vụ việc xảy ra vào khoảng hơn 18h tối 3/7, tại gần số nhà 181 phố Trích Sài, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo người dân, vào thời điểm trên, khu vực Hà Nội nổi giông lốc, mưa nhỏ. Ít phút sau, một cây phượng trồng ở vỉa hè phố Trích Sài bất ngờ đổ xuống trúng một người dân đang đi xe máy trên đường khiến nạn nhân bị thương.

Cách đây 1 năm, một cây cổ thụ trên khu vực phố cổ Hà Nội bị gãy đổ đã làm 5 người trọng thương. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h45 chiều 14/6, một cây phượng cổ thụ bất ngờ đổ ập vào 2 xe máy đang lưu thông trên phố Quán Sứ.

Vụ tai nạn khiến 5 người bị thương, trong đó có 2 phụ nữ, 2 trẻ em và một người đàn ông. Nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Vào năm 2013, khi đang đi xe đạp trên đường, một người phụ nữ bị cành cây khô rơi vào đầu tử vong. Sự việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 2/10 tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội) đoạn gần cổng Công viên Bách Thảo.

Ngoài nguyên nhân khách quan, vẫn còn không ít nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan quản lý và ý thức của người dân. Thực trạng này đang đòi hỏi cần nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hiểm họa đối với người dân, nhất là khi mùa mưa bão năm nay đang có những dấu hiệu bất thường.

Hiện nay, phần lớn hệ thống cây xanh ở Thủ đô đã phát triển qua nhiều thời kỳ, với hệ thống cây bóng mát, cây cổ thụ có khi hàng trăm tuổi. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn tiềm ẩn khá nhiều. Ngoài ra, còn phải kể tới những tuyến đường có các loại cây tuy nhỏ nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm gãy đổ do đặc điểm thân cây giòn, rễ nông, không được rào chắn cẩn thận…

Hàng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều có chỉ đạo về việc xử lý hiểm họa cây xanh có nguy cơ bật gốc, gãy đổ, tuy nhiên cũng không thể giải quyết triệt để được vấn đề. Ông Nguyễn Việt Hưng, Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Sở Xây dựng và các ban ngành sẽ tăng cường kiểm tra và gia cố cọc chống, cắt sửa những cây nặng tán trong mùa mưa bão. Sở Xây dựng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện duy trì cắt tỉa cây xanh trong địa bàn thành phố, tăng cường kiểm tra và rà soát hàng quý, hàng tháng”.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, để hạn chế cây đổ, cành gẫy trước mùa mưa bão, đơn vị này đã thực hiện nghiêm túc việc cắt tỉa.

Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện cắt tỉa được gần 30.000 cây xanh trên toàn địa bàn, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ những năm trước.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện những cây cong, xiêu vẹo đặc biệt là sâu mục để thực hiện thay thế, ngăn chặn gãy, đổ bất thường.

Trước mùa mưa bão, phía công ty cũng cho bổ sung chằng chống, gia cố lại các cây mới trồng để ngăn ngừa bật gốc.

Nói về biện pháp để ngăn ngừa sự cố từ cây xanh gây ra trong mùa mưa bão, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khuyến cáo, người dân không nên di chuyển trên đường trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão.

Trong trường hợp buộc phải di chuyển thì hãy cẩn trọng, quan sát kỹ, kiểm soát tốc độ và giữ khoảng cách an toàn.

Hiện môi trường sống cho cây xanh ở thành phố còn nhiều bất cập. Đó là không gian đô thị bị thu hẹp do nhà cao tầng và các công trình công cộng được xây dựng.

Phía dưới là nhiều công trình ngầm khiến cho cây không thể cắm rễ sâu vào lòng đất. Hoặc nếu phát triển rễ sang ngang cũng khó do bị giới hạn bởi “một hố xi măng”, vuông vức, khó mà xuyên thủng.

Thêm vào đó, nhiều người dân còn thiếu ý thức bảo vệ cây xanh, sẵn sàng bức tử cây xanh bằng cách đổ dầu luyn, đốt cây, cưa rễ khi có cơ hội bởi “mặt phố là mặt tiền”.

Họ sợ cây nằm chắn trước cửa hàng, ảnh hưởng đến việc làm ăn nên phải “trảm” cây xanh bằng mọi cách.

Các cơ quan chức năng, chính quyền quận, huyện cũng cần vào cuộc phát hiện và xử lý những trường hợp thiếu ý thức xâm hại cây xanh và cần có chế tài xử phạt; cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và yêu quý, bảo vệ cây xanh…

Về lâu dài, một số chuyên gia về cây xanh và đô thị cho rằng, thành phố cần có kế hoạch thăm khám cây định kỳ; có thiết bị để phát hiện sâu mục bên trong thân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tính toán thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi; phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế…

Theo thống kê, dường như năm nào cũng có người thương vong vì cây đổ. Tuy nhiên, đến nay, việc xác định ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước tình trạng cây xanh tại nhiều thành phố gãy, đổ trong mưa, giông gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng người dân vẫn đang còn bỏ ngỏ… bởi nguyên nhân luôn được xác định là tại “ông trời”.

Trang Hạ (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nỗi lo tai nạn rình rập do cây đổ mùa mưa bão