Hà Nội: Ô nhiễm làng nghề tái chế chất thải

25/07/2019 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phế liệu từ nhựa, rác thải sản xuất tại các làng nghề tái chế chất thải trên địa bàn TP đang là vấn đề ô nhiễm mà các cấp, chính quyền trăn trở bấy lâu.

Ảnh minh họa

Phế liệu tập kết bừa bãi

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội tồn tại hàng trăm cơ sở là những hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực thu mua và tái chế chất thải. Cụ thể, tại một số làng nghề tái chế như Triều Khúc (Thanh Trì), Trung Văn (Nam Từ Liêm) và Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), rác thải sản xuất được tập kết khắp mọi nơi, từ nhà xưởng đến đường giao thông, thậm chí cả ruộng đồng… gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong khu vực.

Với làng nghề nhựa Trung Văn, các cơ sở sản xuất nằm trong khu vực dân cư, sát với nhà dân. Khi các cơ sở sản xuất, phát sinh mùi, hơi hữu cơ như ép, kéo nhựa, cuộc sống của các hộ dân bên cạnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo phản ánh của chính quyền địa phương và các hộ dân sống xung quanh, các cơ sở này cần phải được di dời sang khu vực khác vì mức độ ô nhiễm lớn và phát sinh khí thải khó thu gom, khó xử lý. Với làng nghề Triều Khúc, hoạt động sản xuất sinh nước thải và phát sinh nhiều nguồn ô nhiễm không khí. Ngoài ra, nhựa phế thải còn được đốt tự phát khiến cho môi trường không khí bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhìn chung, quy trình sản xuất của hai làng nghề này vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải tập hợp được cơ sở phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô), không có hệ thống sấy mà được phơi khô ngoài trời và đưa vào thùng chứa tạo hạt. Đáng nói, trong quá trình hoạt động nước thải phát sinh không qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chất đầy phế liệu từ nhựa, rác thải sản xuất trong nhà, đổ bừa bãi ra vỉa hè, đồng ruộng… Nước ở kênh mương, ao hồ luôn đen kịt, xen lẫn mùi hóa chất, mùi nước thải chưa qua xử lý rất nồng nặc, khó chịu, nhất là vào những hôm trời nắng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, là do nhận thức của người dân chưa cao, nhiều người vẫn đặt mục đích kinh tế lên trên lợi ích của cộng đồng. Cùng với đó, do sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu các hệ thống xử lý nước thải, khí thải khiến ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế ngày càng nghiêm trọng.

Giải pháp nào cho các cơ sở tái chế

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải, Sở TN&MT Hà Nội cho biết đã đưa ra một số đề xuất giải pháp kỹ thuật. Trong đó, về vấn đề xử lý nước thải, đối với từng hộ gia đình, có thể xây một hố ga lắng sơ bộ các chất lơ lửng nhằm giảm lượng bùn ở cống rãnh thoát nước chung. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải được dẫn ra là các ao hồ tự nhiên. Người dân có thể tận dụng các ao hồ để xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.
Về xử lý khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các cơ sở tái chế nhựa, cần lắp đặt hệ thống quạt thông gió trong các nhà xưởng sản xuất và sau đó cần được loại bỏ ô nhiễm hữu cơ bằng tháp than hoạt tính trước khi xả và môi trường.
Với sự đặc thù của làng nghề tái chế chất thải, cần phải quy hoạch một khu vực riêng để tập trung thu mua, sản xuất. Khi đã hình thành được một khu vực riêng sẽ kiểm soát được những vấn đề về môi trường, khí thải, nước thải trong quá trình sản xuất của làng nghề. Ngoài ra, việc tập trung sản xuất vào một khu vực riêng thì Nhà nước cũng dễ dàng hơn trong công tác hỗ trợ và vận động người dân đầu tư đổi mới công nghệ tái chế. Cùng đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải tăng cường quản lý hoạt động sản xuất của các làng nghề, kiên quyết xử lý vi phạm thì mới mong đảm bảo môi trường sống cho người dân nơi đây
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Một khi, người dân làng nghề tái chế chất thải hiểu được những tác hại trong sản xuất gây ra với chính họ và cộng đồng, buộc họ sẽ thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền sở tại, kiên quyết xử lý vi phạm thì mới mong đảm bảo môi trường sống.
Tú Anh (T/h)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ô nhiễm làng nghề tái chế chất thải