Hạ tầng thiếu, TP Hồ Chí Minh không thể là “đô thị đặc biệt”

Theo Người Lao Động|18/09/2017 11:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruonng.net.vn) – TP Hồ Chí Minh không thể trở thành đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế – văn hóa lớn nếu hệ thống hạ tầng giao thông không hoàn thiện.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị sáng 18/9

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã phát biểu như vậy tại phiên khai mạc hội nghị quốc tế về an toàn giao thông (ATGT) khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 18/9.

Theo lịch trình, hội nghị sẽ tổ chức từ hôm nay đến ngày 21/9, sau TP HỒ Chí Minh sẽ đến Bình Dương.

Tại phiên khai mạc hội nghị sáng nay, nhiều vấn đề nóng về thực trạng, giải pháp đối với việc phát triển giao thông vận tải, ô nhiễm môi trường… đã được đưa ra thảo luận.

Trong đó, vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng các đơn vị quản lý quan tâm nhất là những hạn chế trong kết cấu hạ tầng giao thông đã kìm hãm rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa – giáo dục… Thực trạng này không chỉ diễn ra ở TP Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế của cả nước – mà cũng là tình trạng chung ở nhiều thành phố lớn khác thuộc các quốc gia khu vực Đông Á.

Nói riêng về TP Hồ Chí Minh, tại phiên khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã nhấn mạnh nếu không có hệ thống hạ tầng, giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn, thành phố sẽ không thể trở thành đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Đồng thời, thành phố cũng khó là đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế… Từ đó, rất khó tạo được sức hút, độ lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Lê Thanh Liêm cũng nhìn nhận TP Hồ Chí Minh đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường…

Một trong nhiều giải pháp để từng bước cải thiện những vấn đề trên, Phó Chủ tịch thành phố nói thời gian qua, các sở – ngành thuộc thành phố đã thường xuyên phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng các chương trình chuyên đề, tập trung vào 4 chủ đề chính, gồm: Quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; phát triển hệ thống giao thông thông minh; nâng cao an toàn giao thông đường bộ và đổi mới phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Những vấn đề trên, theo ông Liêm, thành phố đã lựa chọn chi tiết, phù hợp với nhu cầu thực tế. Vì vậy, thành phố rất cần được sự tư vấn, chia sẻ từ các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, cho biết việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội là 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng.

Dù vậy, theo ông Đông, lĩnh vực GTVT ở Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển trong khu vực đang gặp nhiều thách thức và kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn để phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể như nhu cầu đầu tư lớn nhưng huy động nguồn lực khó, đầu tư chưa cân đối giữa các lĩnh vực, chi phí xây dựng lớn…

Sau các bài phát biểu tại phiên khai mạc, sáng cùng ngày, nhiều chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng dẫn luận các vấn đề liên quan đến mở rộng chiến lược phát triển bền vững Châu Á, tương lai giao thông đô thị trong cách mạng công nghiệp 4.0,…

Chiều cùng ngày, nhiều phiên đặc biệt sẽ được tổ chức với các chủ đề phát triển giao thông linh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai; Quản lý phương tiện cơ giới cá nhân: Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng vào Việt Nam…

Theo Người Lao Động

Bài liên quan
  • Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4
    Theo đồ án được phê duyệt, đến năm 2030 dân số phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4 dự kiến khoảng 21.150 người. Quy hoạch nhằm hình thành khu vực công nghiệp tập trung đa ngành nghề theo mô hình công nghiệp sạch, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ có giá trị cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng thiếu, TP Hồ Chí Minh không thể là “đô thị đặc biệt”