Hàng nghìn héc-ta tôm thiệt hại do nắng nóng gay gắt

Minh Anh (T/h)|27/05/2020 01:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nắng nóng kéo dài khiến hầu hết tôm sú, tôm thẻ chân trắng chết trong giai đoạn từ 20 – 40 ngày tuổi, do bệnh đốm trắng, đỏ thân.

Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, do ảnh hưởng biến động về thời tiết biến đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích nuôi tôm vùng nước mặn và lợ trong tỉnh.

Cụ thể, chỉ trong vòng 45 ngày vừa qua, tại các vùng nuôi tôm ven biển thuộc các huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và thị xã Duyên Hải có trên 471ha tôm sú của 1.284 hộ thả nuôi bị thiệt hại, với số lượng hơn 103 triệu con giống; gần 2.150 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại hơn 444 triệu con giống trên diện tích 721ha.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh, hầu hết tôm sú, tôm thẻ chân trắng chết trong giai đoạn từ 20 – 40 ngày tuổi, do bệnh đốm trắng, đỏ thân. Nguyên nhân dẫn đến tôm bị nhiễm bệnh là do từ tháng 4 thời tiết nắng nóng gay gắt, tạo sự chênh lệch cao nhiệt độ giữa ngày và đêm.

Nắng nóng gay gắt, gần 1.200 ha tôm sú, thẻ chân trắng bị thiệt hại

Cùng với đó, những ngày trung tuần tháng 5 đến nay, có nhiều cơn mưa lớn trên diện rộng làm biến động lớn về môi trường nước sông và cả trong ao nuôi, tạo điều kiện cho vi-rút gây bệnh trên tôm phát triển mạnh.

Theo kết quả lấy mẫu xét nghiệm của 88 mẫu tôm tại các vùng nuôi trong tỉnh, đã có 24 mẫu nhiễm bệnh, gồm: 9 mẫu tôm nhiễm vi-rút gây bệnh đốm trắng, 3 mẫu tôm nhiễm vi-rút gây hoại tử gan tuỵ cấp, 5 mẫu tôm nhiễm vi-rút gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, 7 mẫu tôm nhiễm vi bào tử trùng.

Trước tình hình tôm nuôi bị thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh đã cung cấp hơn 95 tấn Chlorine hỗ trợ nông dân xử lý mầm bệnh ao nuôi; đồng thời, khuyến cáo đối với những hộ dân đã thả giống tôm nuôi nên thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, xử lý độ mặn nước thích hợp trong ao nuôi.

Đối với những hộ chưa thả giống cần cải tạo ao hồ, xây dựng hệ thống ao đúng kỹ thuật để nuôi tôm theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh phấn đấu kiểm soát chặt và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản nhằm đảm bảo nuôi trồng an toàn và đạt hiệu quả trên diện tích hơn 25.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong năm 2020.

Trước đó, nắng nóng kéo dài liên tục trên diện rộng làm cho gần 7.000 ha tôm nuôi tại tỉnh Bạc liêu thiệt hại nặng.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có gần 7.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại nặng. Trong đó, có gần 2.000 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, chủ yếu tập trung ở huyện Phước Long (Bạc Liêu).

Bên cạnh nguyên nhân nắng nóng kéo dài thì nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại còn do nguồn nước trên các kênh rạch bị ô nhiễm nặng, khiến bệnh phát sinh và lây lan trên tôm. Theo đó, nhiều kênh, rạch có độ mặn vượt trên 40‰, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm.

Ngoài diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, nắng nóng còn làm cho hơn 252 ha lúa bị ảnh hưởng (chủ yếu là tại TX Giá Rai) và khiến 125 ha rừng tại Vườn chim Bạc Liêu trong tình trạng báo động cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Hiện nguồn nước trên kênh rạch vùng nam Quốc lộ 1A tại Bạc Liêu cũng đang có độ mặn ở mức 24‰, độ mặn trên sông Cà Mau – Bạc Liêu vùng bắc Quốc lộ 1A đã ở mức (24-25) ‰.

Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đề nghị các địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến của thời tiết, tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước…

Đặc biệt là triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn héc-ta tôm thiệt hại do nắng nóng gay gắt