Hàng triệu bệnh nhân lao vẫn chưa được điều trị phù hợp

Minh Anh (T/h)|19/10/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổ chức Y tế thế giới công bố số lượng bệnh nhân lao được điều trị trên toàn thế giới tới 7 triệu người năm 2018 cao nhất từ trước tới nay.

Bệnh có khả năng lây nhanh và rộng. Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn không truyền nhiễm và không có triệu chứng là do hệ thống miễn dịch của họ đang bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Nhưng tình trạng này sẽ không diễn ra lâu, bệnh lao phổi tiềm ẩn sẽ phát triển thành lao hoạt động với các triệu chứng phát tác và lây lan ra môi trường xung quanh cho người khác.

Do là bệnh lý truyền nhiễm nên dễ lây lan thành diện rộng, khó kiểm soát sự lây lan, thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần. Các vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và phát triển lây bệnh, làm tổn thương đến phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm cho người bệnh nếu cứ kéo dài và không được điều trị đúng cách.

Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn khoảng 3 triệu bệnh nhân chưa được điều trị đầy đủ do thiếu kinh phí và hạn chế tiếp cận y tế. Nhờ tiến bộ trong phát hiện, chẩn đoán bệnh lao, số bệnh nhân được điều trị năm 2018 đã tăng thêm 600.000 người so với 6,4 triệu người trong năm trước. Bên cạnh đó, số ca tử vong do bệnh lao năm ngoái cũng giảm xuống 1,5 triệu, từ mức 1,6 triệu người trong năm trước đó. Kết quả này góp phần giúp thế giới đạt được dấu mốc quan trọng trong mục tiêu xóa sổ bệnh lao của Liên hợp quốc.

Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) nhất trí thông qua Chiến lược xóa sổ bệnh lao của WHO, nỗ lực đến năm 2030 sẽ giảm được 90% số ca tử vong. Một mục tiêu cụ thể hơn nữa là đến năm 2020 giảm 35% ca tử vong.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo để hoàn thành mục tiêu của LHQ về xóa sổ bệnh lao vào năm 2030, thế giới phải đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trong bối cảnh 3 triệu bệnh nhân lao vẫn chưa được chăm sóc phù hợp do thiếu hụt quỹ nghiêm trọng và không được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Trong đó, đại diện WHO nhấn mạnh phải tăng cường hệ thống y tế, đơn giản hóa tiếp cận dịch vụ cho bệnh nhân lao, đầu tư phát triển y tế cơ sở và đảm bảo bao phủ chăm sóc y tế toàn dân (UHC).

Mặc dù tháng 9 vừa qua, lãnh đạo các nước tham dự Khóa họp thứ 74 Đại Hội đồng LHQ đã nhất trí một tuyên bố chính thức về UHC, nhưng nguồn quỹ đầu tư để chống bệnh lao vẫn luôn thiếu hụt và mức thiếu hụt đã lên tới 3,3 tỷ USD trong năm 2019. Nghiên cứu và phát triển là lĩnh vực có nhu cầu tài chính cấp bách nhất, với mức thiếu hụt hằng năm vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Trong đó, những danh mục cần được đầu tư bổ sung phải kể đến như nghiên cứu một loại vaccine mới hoặc một liệu pháp phòng ngừa hiệu quả; công nghệ xét nghiệm nhanh; các loại thuốc an toàn, đơn giản và ngắn ngày hơn cho bệnh nhân lao.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Những căn bệnh do ô nhiễm nguồn nước gây ra
    Moitruong.net.vn – Nước là nhân tố thiết yếu đối với sự sinh tồn của con người. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm có thể gây ra các đại dịch bệnh trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng triệu bệnh nhân lao vẫn chưa được điều trị phù hợp