Hãy nghĩ đến trách nhiệm trước khi xả thải

20/03/2017 02:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước – Bộ TN&MT

(Moitruong.net.vn)  – Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường hiện nay đang ở mức báo động. Mặc dù, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, xả thải,… nhưng ý thức và nhận thức của mỗi chủ nguồn thải vẫn chưa cao. Từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ nếu có cơ hội là xả thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước. Nhân Ngày nước Thế giới 22/03 với chủ đề “nước thải”, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Ông  Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT về những vấn đề xung quanh chuyện xả thải của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Untitled4

Ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường

MT&CS: Xin Cục trưởng cho biết ý nghĩa tại sao năm nay lại chọn chủ đề Ngày Nước thế giới 2017 là vấn đề “Nước thải”.

Ông Hoàng Văn Bẩy: Tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) năm 1992 tại Rio, Brazil, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chọn ngày 22 tháng 3 năm 1993 là Ngày nước Thế giới đầu tiên nhằm đề cao tầm quan trọng của nước. Kể từ đó, Ngày Nước thế giới được tổ chức hàng năm và mỗi năm chọn một chủ đề cụ thể về nước nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. “Nước thải” được chọn làm chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2017 nhằm kêu gọi việc giảm thiểu nước thải và tái sử dụng nước, tránh lãng phí và cải thiện vòng tuần hoàn nước cho các sinh vật sống, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể là Mục tiêu thứ 6 (SDG6): “Đảm bảo đến năm 2030 việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn”. Trong đó, Mục tiêu 6.3 (SDG 6.3): “Xử lý và sử dụng nước thải an toàn góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe và tinh thần”.Như mọi năm, Ngày Nước thế giới 2017 ở Việt Nam được phát động trên quy mô toàn quốc  hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả.

MT&CS: Hiện nay, nước thải đang là vấn đề nóng, Ông có thể cho biết tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay như thế nào và nguyên nhân?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Cùng với sự đô thị hóa nhanh, vấn đề phát triển công nghiệp, các vấn đề môi trường như rác thải thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên trầm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm có khoảng 9 nghìn người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; Có trên 200 nghìn trường hợp được phát hiện ung thư. Trong đó, việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây nên.

Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Trong đó, ô nhiễm tập trung chủ yếu các vùng trung và hạ lưu; Khu vực tập trung đông dân cư và các KCN hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài ra, nước biển Việt Nam cũng đang có dấu hiệu bị ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển…

Hiện cả nước có hơn 770 đô thị, trong đó, có hai đô thị đặc biệt; 15 đô thị loại một; 14 đô thị loại hai; 53 đô thị loại ba; 65 đô thị loại bốn và còn lại là đô thị loại năm. Tuy nhiên, tỷ lệ số dân đô thị hưởng dịch vụ thoát nước mới chiếm khoảng 60% và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt khoảng 12%. Điển hình như tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phần lớn nước thải sinh hoạt (không được xử lý, đổ thẳng vào các ao, hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Đồng Nai – Sài Gòn. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, các lò mổ cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả các bệnh viện, hiện thải khoảng 7 nghìn m3/ngày, thì chỉ có 30% là được xử lý.

Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế về nguồn lực thực hiện, thì nhận thức và ý thức chấp hành của cộng đồng chưa cao gây cản trở lớn trong việc bảo vệ nguồn nước.

Việc giám sát hoạt động xả nước thải là công việc hết sức khó khăn đòi hỏi nguồn nhân lực, trang thiết bị đảm bảo giám sát được thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, do còn hạn chế về những điều kiện về nguồn nhân lực, trang thiết bị, nên trong thời gian qua công tác giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước còn chưa được chặt chẽ dẫn đến tình trạng các cơ sở xả nước thải trốn tránh việc xử lý nước thải hoặc xử lý nước thải không đạt yêu cầu trước khi xả vào nguồn nước.

MT&CS: Trước tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, Cục đã có đề xuất, tham mưu gì cho Bộ TNMT ban hành chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng trên.

Ông Hoàng Văn Bẩy: Trước tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước đã và đang rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản về pháp luật tài nguyên nước để tham mưu trình Bộ sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề xả nước thải vào nguồn nước cũng như tăng cường các hình thức xử lý vi phạm trong việc xả nước thải không tuân thủ theo pháp luật để chấn chỉnh ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất.

Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nhiều hoạt động khai thác tài nguyên nước có lợi thế như: thủy điện, sản suất công nghiệp, khai thác nước dưới đất để tưới cây công nghiệp…. như Luật tài nguyên nước đã quy định và Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để xem xét ban hành nhằm thúc đẩy ý thức và tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cần đẩy mạnh việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm theo Nghị định đã được Chính phủ ban hành, trong đó đã quy định cụ thể cả việc ưu đãi đối với việc đầu tư chiều sâu để tái sử dụng nước thải, sử dụng nước tuần hoàn.

Đồng thời, Cục đã xây dựng và đang hoàn thiện Thông tư giám sát các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật tài nguyên nước đã quy định. Bộ TN& MT đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc này. Theo đó, sẽ xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải. Theo đó các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải… và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật.

MT&CS: Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22 tháng 3, Cục đã có kế hoạch hưởng ứng thế nào  thưa ông?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Để hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2017 quy mô cấp tỉnh tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức Mít tinh và các hoạt động phù hợp để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017 như: tổ chức hội  khoa học, tọa đàm, triển lãm với chủ đề tài nguyên nước; tổ chức diễu hành nhân Ngày Nước thế giới; vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước; phát động phong trào bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phát tờ rơi và chiếu phim tài liệu, phóng sự về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương,…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, trong đó có Lễ Mit tinh quốc gia tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến Lãnh đạo Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ Mít tinh quốc gia, đồng thời có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo của các Bộ, ngành liên quan; Đại diện Lãnh đạo của các tỉnh và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh Bắc Ninh; Đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng đông đảo quần chúng nhân dân.

MT&CS xin cảm ơn Ông!

Hùng Thắng (Thực hiện)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy nghĩ đến trách nhiệm trước khi xả thải