Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Grab-Uber

Hồng Nhung (th)|29/09/2017 08:52
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Do số lượng xe Grab và Uber đã lên đến hơn 50.000 chiếc, phá vỡ mọi quy hoạch gây bất an cho xã hội. Vì vậy, mới đây Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng thí điểm loại hình này.

Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Grab-Uber

Đơn kiến nghị dài tới 13 trang, do Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình, ký gửi tới Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan.

Hiệp hội taxi Hà Nội khẳng định không đồng tình với Văn bản số 9895/BGTVT-VT ngày 30-8-2017 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đơn kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội yêu cầu báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT ban hành bằng Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016.

Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng Quyết định 24/QĐ-BGTVT “đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sai trái của Uber và Grab”.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã cố tình không giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm mặc dù UBND thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh kiên quyết phản đối làm xe hợp đồng dưới 9 chỗ bùng nổ, mất kiểm soát khi lượng xe thí điểm chạy cho Grab, Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng.

Hiệp hội này kiến nghị dừng ngay việc gia tăng số lượng xe tham gia thí điểm, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm.

Đồng thời Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam.

Theo hiệp hội này, trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không có dịch vụ kết nối vận tải nên Việt Nam có thể toàn quyền quyết định quản lý các hoạt động của Uber, Grab.

Bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi).

Vì vậy, Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam .

Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, số lượng xe tham gia thí điểm đã vượt xa quá mức quy hoạch vận tải của địa phương. Do vậy, Bộ GTVT phải có văn bản khẩn cấp cho phép các địa phương được toàn quyền đưa ra các giải pháp giảm tải các xe tham gia thí điểm đối với loại hình Uber, Grab.

Hồng Nhung (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Grab-Uber