Hoà Bình: Tăng cường quản lý khai thác hợp lý khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

Nguyễn Đoàn Cần|05/03/2017 22:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, tính đến thời điểm hiện nay có tổng số 99 điểm mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản tập trung chủ yếu vào các loại khoáng sản là đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; nguyên liệu xi măng, ngoài ra là một số mỏ khoáng sản kim loại, nhưng số lượng và trữ lượng không lớn. Tất cả các mỏ khoáng sản được khai thác trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh lân cận, không có khoáng sản làm hàng hóa xuất khẩu.

(Moitruong.net.vn) – Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ, tuyên truyền rộng rãi tới các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh hiểu rõ và có biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả tránh thất thoát. 

HMD_6336

Khai thác đá làm vật liệu xây dựng

Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi măng có trữ lượng lớn, phân bố khá đồng đều trên địa bàn tỉnh được khai thác và chế biến tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Các loại đất sét dùng để sản xuất gạch nung, gạch tuy-nen của tỉnh cũng có trữ lượng đáng kể và phân bố hầu hết ở các địa bàn trong tỉnh, để sản xuất gạch ngói phục vụ cho nhu cầu xây dựng tại chỗ rất có hiệu quả; hiện nay trên địa bàn tỉnh đang phát triển các lò gạch tuynel có công nghệ sản xuất tiên tiến, cần bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu để các cơ sở sản xuất hoạt động lâu dài, ổn định, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mới của tỉnh.

hoa binh 1

Khai thác than tại tỉnh Hòa Bình

Các mỏ than, kim loại, phi kim khác khai thác quy mô nhỏ, phân tán, mang tính tận thu, có nơi còn có hiện tượng khai thác trái phép; công nghệ khai thác thủ công, lạc hậu, sản phẩm cuối cùng chủ yếu là quặng thô đem bán gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý về hoạt động, cũng như nghĩa vụ tài chính với nhà nước, ít đem lại hiệu quả kinh tế -xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Đối với các loại quặng sắt, đa số các dự án đều đề nghị được xây dựng cơ sở sơ chế biến tại chỗ, do không đủ nguồn nguyên liệu, các dự án quặng sắt có hiệu quả kinh tế – xã hội không cao. Các dự án khai thác than, chủ yếu thực hiện việc khai thác theo mùa vụ do các vỉa, ổ than không ổn định, sản lượng không đều, chất lượng không đồng bộ nên không có khách hàng tiêu thụ lớn và có phần ảnh hưởng xấu đến môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự xã hội.

Các dự án khai thác vàng, đồng, antimon, chì – kẽm gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vỉa, ổ quặng để mở công trình khai thác, có dự án phải chuyển đổi phương pháp khai thác nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Một số doanh nghiệp giao dịch mua, bán chưa thể hiện bằng hóa đơn, gây thất thu ngân sách nhà nước.

hoa binh 2Công nghệ khai thác vàng thô sơ, lạc hậu

Ngoài ra, nguồn Nước Khoáng-Nóng là tài nguyên mang tính đặc thù của tỉnh Hòa Bình. Nước khoáng Mớ Đá hay còn gọi là nước khoáng Kim Bôi, cần  phải được đầu tư một cách cơ bản, hợp lý nhằm khai thác triệt để nguồn nước đã xuất lộ và mở rộng ra các điểm nước khoáng liền kề để nâng cao hiệu quả sử dụng trong các lĩnh vực du lịch, chữa bệnh, giải khát…

Trên cơ sở những sai phạm và ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, trong giai đoạn 2011 – 2015 đã xử phạt đối với 46 cơ sở khai thác khoáng sản với tổng số tiền là trên 553 triệu đồng. Riêng giai đoạn 2013 – 2015, UBND tỉnh Hòa Bình đã thu hồi, cho phép trả lại, chấm dứt hiệu lực 26 Giấy phép khai thác khoáng sản của các tổ chức cá nhân không tiến hành các thủ tục xây dựng cơ bản mỏ, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính, không ký quỹ bảo vệ môi trường, không báo cáo định kỳ hàng năm…, trong đó 08 mỏ đá vôi, đá Bazan làm VLXDTT, 03 mỏ than, 06 mỏ quặng vàng, 01 mỏ quặng đồng, 01 mỏ sét, 06 mỏ quặng sắt, 01 mỏ quặng Antimon. Tiến hành thanh, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường đối với 36 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.

Ngoài ra, đang tiếp tục rà soát các Dự án khai thác kém hiệu quả, nợ đọng thuế, ô nhiễm môi trường và Dự án đã được cấp phép khai thác, nhưng không tiến hành thực hiện các nghĩa vụ về đất đai, môi trường, tài chính… để đưa mỏ vào hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới.

Nguyễn Đoàn Cần


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoà Bình: Tăng cường quản lý khai thác hợp lý khoáng sản và công nghiệp khai khoáng