Hoàn thiện Nghị định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Theo Monre|05/04/2018 23:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc làm việc với Cục Biến đổi khí hậu để rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, Cục Biến đổi khí hậu đã tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo tám nội dung lớn được Bộ trưởng chỉ đạo tại cuộc họp ngày 08 tháng 02 năm 2018, bao gồm về phạm vi, làm rõ cơ sở cho việc phân bổ chỉ tiêu giảm phát thải, làm rõ những quy định mang tính bắt buộc và các quy định khuyến khích, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế mà đặc biệt các nước có nền kinh tế mới nổi, xác định rõ hơn về lộ trình, rà soát thủ tục hành chính trong dự thảo, hạn chế ban hành thông tư, chú trọng việ đánh giá tác động.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, dự thảo đã rút gọn còn 03 chương chính, bao gồm Chương I về các quy định chung, Chương II về các quy định chi tiết và Chương III về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Về cách tiếp cận, dự thảo nêu rõ các quy định bắt buộc và các quy định mang tính khuyến khích về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nghị định sẽ tiếp cận theo hướng việc thực hiện, quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành do các Bộ thực hiện.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục đã tiến hành nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển, các nước có nền kinh tế mới nổi đến các quốc gia đang phát triển tương tự điều kiện Việt Nam để rút ra cách tiếp cận từ trên xuống thông qua các cơ chế tổ chức, quản lý của Chính phủ và làm rõ luận cứ cho việc phân bổ chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các ngành, lĩnh vực theo phương pháp của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và phù hợp với nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Về lộ trình giảm nhẹ, dự thảo đã phân định rõ trách nhiệm giảm nhẹ theo các ngành (công thương, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn) với con số (%) cụ thể căn cứ ý kiến của các Bộ, ngành khi xây dựng báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Các phương án giảm nhẹ đề xuất trong báo cáo NDC đều được tính toán theo các ngành, lĩnh vực cho từng năm trong giai đoạn đến năm 2030. Cục đã tính toán đưa ra lộ trình giảm nhẹ cho các mốc kể từ năm 2020 đến năm 2025 và năm 2030 như sau: đến năm 2025 sẽ giảm 6,6% so với kịch bản phát thải thông thường với khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương; đến năm 2030 sẽ giảm 8% so với kịch bản phát thải thông thường với khoảng 62,8 triệu tấn CO2 tương đương. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đề xuất định hướng lộ trình giảm nhẹ đến năm 2050 dựa trên Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và của các ngành.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường trình bày nội dung dự thảo Nghị định tại cuộc họp

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc và khuyến khích cụ thể gồm: các phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc như xây dựng đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, kế hoạch cấp lĩnh vực; quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các bon; thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; các phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khuyến khích như xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ quan tổ chức, cá nhân có hoạt động gây phát thải khí nhà kính; chủ động chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; khuyến khích các hoạt động giảm nhẹ phát thải, tăng cường hấp thụ khí nhà kính.

Cục Biến đổi khí hậu đề xuất sau khi xin ý kiến chính thức của các Bộ, ngành sẽ tổ chức cuộc do lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nhằm trao đổi, thống nhất các nội dung dự thảo trình Chính phủ để đảm bảo tnhs khách quan và khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Trao đổi tại cuộc họp, ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, bên cạnh việc quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành, cần có cơ chế, lộ trình và phương thức để kiểm soát phát thải khí nhà kính của những lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp có hoạt động phát thải lớn. Ông Phan Tuấn Hùng đề xuất có thể kiểm soát thông qua đề án giảm phát thải khí nhà kính, đăng ký mức phát thải của các doanh nghiệp và có sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo tính hiệu quả của quá trình thực hiện sau này.

Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao việc nỗ lực hoàn thiện dự thảo Nghị định so với dự thảo báo cáo Lãnh đạo Bộ tháng 02 năm 2018, đồng thời khẳng định, Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là văn bản pháp quy quan trọng về vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, quy định chi tiết thi hành nội dung về biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đồng thời là công cụ để cụ thể hóa và triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

“Nghị định này là văn bản pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết khi ký kết Thỏa thuận Paris giảm phát thải khí nhà kính 8% so với kịch bản thông thường ở thời điểm năm 2030 và có thể đạt mức 25% khi có sự hỗ trợ của quốc tế. Việc xây dựng Nghị định phải hướng tới đa mục tiêu, hiện đại hóa nền công nghiệp nước ta, vừa thực hiện nghiêm túc cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đồng thời vừa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu hiện đại hóa công nghệ, phục vụ bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp và tăng trưởng xanh” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị Cục Biến đổi khí hậu cần có quy định về lộ trình có thể từ năm 2020 một số loạt hình doanh nghiệp có phát thải lớn phải xây dựng đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đăng ký mức phát thải gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Vụ Pháp chế hoàn thiện nội dung về phương thức thống kê, kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Cục Biến đổi khí hậu nhanh chóng rà soát, hoàn thiện Nghị định để trình Bộ trưởng gửi xin ý kiến các Bộ, ngành xin ý kiến góp ý để thống nhất và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của nước ta đối với quốc tế.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện Nghị định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính