Hội An: Trong bờ sạt lở, ngoài khơi nổi đảo

Theo Đại đoàn kết|09/04/2019 08:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong bờ sạt lở

– Ngoài khơi biển Hội An đã và đang hình thành một hòn đảo, hiện nay khoảng 15 ha, ngày càng nhô lên và mở rộng. Trong khi đó dọc bờ biển này vẫn chưa có cách gì hữu hiệu để cứu bờ biển ngày càng xói lở.

>>>Những dòng sông đang bị bức tử

>>>Lý giải nguyên nhân: Bất ngờ xuất hiện đảo cát nổi giữa vùng biển Cửa Đại dài 3 km

Tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại nghiêm trọng nhất trong khoảng 10 năm gần đây, bờ biển bị lấn sâu vào khoảng 160m. Trong những năm qua bờ biển Hội An luôn bị triều cường uy hiếp dẫn đến sạt lở nặng. Đã có rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế nhằm tìm các giải pháp kỹ thuật để cứu bãi biển Cửa Đại. Cùng với đó là những khoản tiền hàng trăm tỉ đồng đổ ra cho những dự án xây kè cứu bờ biển. Thế nhưng hàng ngày, hàng giờ, bờ biển vẫn cứ lở.

Tại các hội thảo này, các nhà khoa học cũng đã đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ biển. Đó là sự suy giảm bùn cát hàng năm, do khai thác cát dọc sông, vùng cửa sông; Sự giảm lưu lượng từ thượng lưu bởi điều kiện tự nhiên thay đổi, trữ nước ở thượng lưu hoặc chuyển nước sang lưu vực khác; Do biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là những khoản đầu tư khủng. Như Dự án điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại (đoạn từ khách sạn Victoria về hướng Tây Bắc Hội An) dài 300m với tổng mức đầu tư hơn 54 tỷ đồng. Hay Dự án đầu tư xây dựng công trình Kè chống xâm thực bờ biển thành phố Hội An, giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư xây dựng trên 80 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương… Thế nhưng bờ biển Cửa Đại ngày đêm vẫn sạt lở và chẳng biết đến khi nào tình trạng này mới chấm dứt.

Bờ biển Hội An liên tục bị sạt lở.

Ngoài khơi nổi đảo

Kỳ lạ, trong khi ở bờ bị sạt lở thê thảm thì ngoài khơi biển Hội An lại mọc lên một hòn đảo với sự bù đắp lớn lên nhanh chóng đang làm đau đầu các nhà khoa học về nguyên nhân hình thành của nó cũng như các vấn đề liên quan về giao thông đường thủy, về môi trường,…

Theo báo cáo các nghiên cứu ban đầu, đảo cát đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên chỉ là những bãi cạn chìm, không nhô lên khỏi mặt nước. Thế nhưng bất ngờ đến tháng 2/2018, cồn cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và phát triển lớn dần, đặc biệt tốc độ bồi nhanh từ tháng 2/2019 đến nay.

Hiện nay, cồn cát có tổng diện tích khoảng 15ha; khoảng cách chiều dài giữa 2 điểm xa nhất là 1.043m, chiều rộng lớn nhất là 200m, chiều cao trung bình so với mặt nước biển là 2m; khoảng cách gần nhất từ cồn cát đến đất liền là 1.396m. Hiện cồn cát tiếp tục bồi về phía nam và lấn vào bờ nam Cửa Đại (thuộc khu vực xã Duy Hải, Duy Xuyên).

Mới đây, sáng ngày 5/4, đoàn công tác do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra thực địa cồn cát nói trên.

Tại đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, phía Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện quan trắc diễn biến hình thái của cồn cát, kết hợp với kết quả đã quan trắc để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ nghiên cứu cồn cát. Nếu cồn cát tồn tại thì cần đánh giá việc này ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, giao thông đường thủy nội địa hay không. Còn nếu muốn cồn cát không tồn tại thì phải có phương án xử lý để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái khu vực biển Cửa Đại.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, đơn vị sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT phối hợp trong việc xử lý luồng lạch đi lại. Về việc nghiên cứu, xử lý đối với cồn cát, Tổng cục sẽ định vị lại các mốc cắm bài bản hơn, theo dõi cụ thể hơn các vị trí cắm mốc. Trong thời gian đến, đơn vị sẽ thực hiện mua các tài liệu theo dõi qua vệ tinh về cồn cát này để có số liệu đánh giá chính xác nhất. Đồng thời sẽ đưa nhân lực, thiết bị vào Cửa Đại để đo vẽ cồn cát.

Theo Đại đoàn kết

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội An: Trong bờ sạt lở, ngoài khơi nổi đảo