Hội nghị COP26: “Phát triển xanh” và thông điệp không đánh đổi môi trường của Việt Nam

Ngọc Anh|04/11/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi đi thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong hơn 3 ngày thăm, làm việc tại Anh và dự COP26, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trải qua lịch trình dày đặc với hơn 30 sự kiện, tính trung bình mỗi ngày hơn 10 hoạt động.

Tới COP26 lần này, Việt Nam mang theo cam kết mạnh mẽ trong việc cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và thể hiện xuyên suốt ở các hoạt động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi công bằng, công lý về biến đổi khí hậu và mong muốn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề này. Ảnh: Reuters

“Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân” – đây là thông điệp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính phát đi tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Với quyết tâm hành động, phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Dự sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước phát triển, nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu, chia sẻ, hỗ trợ nước đang phát triển, nước nghèo về tài chính khí hậu, chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn.

Phát triển xanh và chống biến đổi khí hậu là xu hướng quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập.Chia sẻ đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, tác động đến tất cả người dân nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời kêu gọi công bằng, công lý về biến đổi khí hậu: “Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng”.

Chứng kiến những thông điệp Việt Nam đưa ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam. Đặc biệt là việc đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ phát triển tích cực hơn nữa, trong đó có hợp tác về tài chính công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu, nhất là thực hiện đầy đủ các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.

Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự COP26, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định việc Thủ tướng đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Ngọc Anh

Bài liên quan
  • Ông Nguyễn Minh Khuyến: Xây dựng thống nhất về quản lý tài nguyên nước để quản trị hiệu quả
    Moitruong.net.vn – Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tỷ lệ che phủ rừng cũng giảm đi nhiều, trong khi hệ thống quản trị nước còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất nên hiệu quả quản lý quản trị chưa cao. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý với mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị COP26: “Phát triển xanh” và thông điệp không đánh đổi môi trường của Việt Nam