Hội thảo về an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu

Theo Báo Bình Định|03/12/2017 06:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng 2/12, Trường ĐH Quy Nhơn đã khai mạc Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2017 với chủ đề An ninh nguồn nước và Biến đổi khí hậu. 

Quang cảnh Hội thảo

GIS (viết tắt của Geographic Information System) là công cụ để tích hợp và quản lý thông tin đa ngành trong nhiều lĩnh vực – từ đánh giá tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thảm họa, quản lý tài nguyên và môi trường, đến Chính phủ điện tử, quản lý các dịch vụ xã hội, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ quốc phòng an ninh.

Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc được tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học và thảo luận, đề xuất hướng nghiên cứu, hợp tác và phát triển trong thời gian tới. Diễn ra trong hai ngày (2 – 3/12), Hội thảo lần này tập trung vào chủ đề An ninh nguồn nước và Biến đổi khí hậu, nhằm góp phần tăng cường nhận thức chung về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với môi trường, đặc biệt là về an ninh nguồn nước. Đồng thời, tạo cơ hội để các đơn vị chuyên môn, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi học thuật về ứng dụng công nghệ GIS, Viễn thám và kinh nghiệm trong phòng tránh thảm họa môi trường bằng các giải pháp thực tiễn. Sau gần 1 năm chuẩn bị, ban tổ chức đã nhận được 162 bài báo khoa học. Dựa trên kết quả phản biện khoa học, ban tổ chức đã chọn công bố 107 bài báo khoa học trong kỷ yếu chia thành 4 lĩnh vực chuyên môn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, biến đổi khí hậu đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến tỉnh ta. Những quan trắc cho thấy, Quy Nhơn là địa phương có mực nước biển dâng cao nhất cả nước. Thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán có xu hướng gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ.

Vì vậy, cần có những nghiên cứu tổng thể và chi tiết nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Phó Chủ tịch Trần Châu đề nghị các nhà khoa học tại Hội thảo không chỉ tập trung nghiên cứu ứng dụng GIS trên đất liền mà cần nghiên cứu nguồn nước ở biển, chú trọng đến giám sát, đánh giá chất lượng nước ven bờ, vùng cửa sông, vùng nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, quan tâm nghiên cứu cảnh báo thiên tai, góp phần tăng độ chính xác của các quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, giúp địa phương nâng cao năng lực ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra cho các cộng đồng, địa phương.

Theo Báo Bình Định


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo về an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu