Hơn 10 năm sống chung với dòng nước thối

Đình Việt (GĐ&XH)|16/05/2017 03:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đoạn sông Ngũ Huyện Khê có màu nước đen xì, ngày đêm bốc mùi hôi thối

(Moitruong.net.vn) – Suốt 10 năm qua, hàng nghìn người dân của phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) sinh sống dọc đoạn sông Ngũ Huyện Khê đang ngày đêm phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ dòng sông.

Theo phản ánh của người dân nơi đây, đoạn sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng là do trên địa bàn phường Phong Khê có hàng trăm nhà máy giấy nằm san sát nhau. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, các nhà máy này xả thải trực tiếp ra sông gây “bức tử” dòng sông.

Theo ghi nhận của PV báo GĐ&XH, đi dọc đoạn sông dài hơn 1km có thể dễ dàng nhận thấy hàng chục cống xả thải, xả trực tiếp ra sông. Nước sông có hai màu đỏ, đen đặc quánh, hôi thối đến nghẹt thở. Dọc bờ sông là một bãi rác thải lớn được các nhà máy tập kết để đốt trực tiếp khiến khói xộc thẳng vào mũi khiến ai đi qua cũng thấy nghẹt thở. Khói từ nhà máy và khói từ bãi rác theo gió bao trùm cả thôn xóm.

Hơn nữa, máy móc của các nhà máy hoạt động liên tục tạo nên một thứ âm thanh rất khó nghe. Cột khói của các nhà máy giấy cũng liên tục xả bao phủ cả một vùng trời. Các loại xe tải chở vật liệu làm giấy, rác thải và giấy thành phẩm ra vào liên tục khiến cho các con đường trên địa bàn phường lúc nào cũng trong tình trạng bụi bẩn, ẩm ướt.

Chính tình trạng ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân trong vùng. Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Thời, thôn Ngô Khê, phường Phong Khê cho biết, trước kia con sông trong vắt, mát rượi, người dân có thể thoải mái tắm, giặt mà không vấn đề gì. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các nhà máy sản xuất giấy trên địa bàn xả nước thải, khiến con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Không chỉ nước mặt ở dòng sông bị ô nhiễm, mà ngay cả nước ngầm của các hộ dân xung quanh cũng xuất hiện váng và có mùi tanh khó chịu. Mặc dù nước bẩn, không đảm bảo chất lượng, nhưng người dân vẫn phải nhắm mắt mà dùng vì không có sự lựa chọn nào khác.

Một số người dân cho biết thêm: Khổ nhất là khi ăn cơm và khi ngủ, ăn cơm lúc nào cũng phải buông rèm để tránh bụi. Còn khi ngủ, mặc dù đã mắc màn để tránh bụi khói nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào thôi. Nhiều hôm ngủ dậy, màn thì đen sì vì bị ám khói, ra rửa mặt thì chậu nước cũng đổi màu vì bị bám bụi.

Ông Vũ Văn Khải, Trưởng thôn Ngô Khê cho biết, trên địa bàn phường Phong Khê có bốn thôn, trong đó thôn Ngô Khê là thôn phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ việc xả thải của các nhà máy giấy. Theo ông Khải, thôn đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền, mong muốn tình trạng ô nhiễm sớm được giải quyết để người dân yên tâm sinh sống nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Đình Việt (GĐ&XH)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 10 năm sống chung với dòng nước thối