Hơn 2 triệu lao động phải ngừng việc, nghỉ việc và mất việc làm

Hoàng Dương|16/09/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 2 triệu công nhân lao động (CNLĐ) phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay, cả nước có trên 2 triệu CNLĐ phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo, làn sóng dịch lần thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp tới NLĐ, nhất là một số khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, đời sống, thu nhập, an toàn, sức khỏe của NLĐ.

Đến ngày 13/9, đã có 44.554 ca mắc COVID-19 là CNVCLĐ tại địa bàn 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 129 CNVCLĐ tử vong do mắc COVID-19 và tiêm vắc-xin.

Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố chỉ cho sản xuất, kinh doanh nếu doanh nghiệp thực hiện đúng “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến.” Tình hình công nhân, viên chức, lao động tại các doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi, tặng quà, chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là những người khó khăn do mất việc, giảm việc làm, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 13/9, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chỉ hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do COVID-19, các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn, nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375 tỷ đồng.

Cùng với công tác chăm lo, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, để Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời NLĐ và doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền: bổ sung thêm đối tượng NLĐ chưa được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), chưa được tham gia bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68 và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho NLĐ. Đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, NLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… cũng được hưởng chính sách theo quy định tại Khoản 4,5,6 Mục II Nghị quyết số 68.

Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30% – 50% LĐ, do đó có một bộ phận lớn NLĐ phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ (do quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/QĐ-TTg: “NLĐ làm việc tại doanh nghiệp… phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”), đề nghị những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Hoàng Dương 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 2 triệu lao động phải ngừng việc, nghỉ việc và mất việc làm