Hơn 40 năm khốn khổ vì nguồn nước nhiễm xăng

Theo Báo Giao thông|26/06/2018 05:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hơn 40 năm nay, 30 hộ dân ở xã Công Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) phải sống trong cảnh đi xin nước sinh hoạt hoặc sử dụng nước mưa vì nguồn nước chính bị nhiễm xăng.

Khoảnh đất bỏ trống vì nguồn nước bị nhiễm xăng

Đồi K6 – nơi trước đây là trạm trung chuyển xăng dầu, thuộc thôn Yên Ninh, xã Công Bình trong những năm chiến tranh đã trở thành toạ độ để giặc Mỹ đánh phá. Hàng chục nghìn khối xăng, dầu cũng vì thế mà bị rò rỉ ngấm sâu vào lòng đất, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân sống xung quanh.

Đã hơn 40 năm nay, người dân tại đây cũng nhiều lần đào giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng không dùng được. Dù có khoan sâu mấy nhưng nước vẫn có mùi xăng. Nơi đất cao thì đỡ nhưng càng xuống dưới chân đồi K6 càng thấy rõ. Do đó, người dân đành phải hứng nước mưa và nhờ kéo nước máy từ làng khác trong xã về sinh hoạt.

Ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình cho biết: Sự việc này xảy ra từ rất lâu. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi kho xăng dầu trên đồi K6 bị vỡ rò rỉ ngấm vào lòng đất cho đến nay. Trong gần 40 hộ dân ở thôn Yên Ninh có 10 hộ ảnh hưởng nặng bởi nguồn nước bị nhiễm xăng không thể sử dụng. Có nhà đào ao nuôi cá cũng không thể được, càng đào nước đỏ có chứa xăng dầu từ mạch đất chảy ra. Những hôm nắng nóng mùi bốc lên hôi và khó chịu.

“Về biện pháp, hiện nay chúng tôi một mặt vận động nhân dân dùng bể chứa tích nước mưa. Hoặc là phải di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ra khu vực khác đến nơi ở mới. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự đồng thuận của nhân dân và quy hoạch của huyện”, ông Dùng nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Nông Cống cho biết: “Huyện cũng đã có nhiều văn bản trình lên các sở, ngành, UBND tỉnh để có giải pháp xử lý lâu dài nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý khả quan. Bước đầu, phương án múc hết đất ra để thanh lọc phần nhiễm xăng dầu nhưng cái này rất tốn kém kinh phí. Phương án thứ 2 là di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nhưng bà con không chịu”.

“Bài toán này cũng đã nói rất nhiều rồi nhưng rất khó. Sang năm có một đơn vị xây dựng nhà máy nước sạch nên chỉ còn phương án này là tốt nhất. Hiện, bà con nhân dân cũng đã tự khắc phục tình trạng này bằng việc đưa nguồn nước sinh hoạt từ nơi khác về và sử dụng bể đựng nước mưa”, ông Tùng cho hay.

Một điều bất cập ở đây là sự việc đã xảy ra hàng chục năm, nhiều văn bản, nhiều đoàn khảo sát kiểm tra từ huyện tới tỉnh nhưng đến nay vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Và đến khi người dân kiến nghị mãi rồi cũng đến lúc tự thân họ vận động, tự tìm lấy nguồn nước để duy trì sự sống.

Theo Báo Giao thông


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 40 năm khốn khổ vì nguồn nước nhiễm xăng