Hướng đi nào cho mật ong Bạc hà Mèo Vạc?

V.Bính (T/h)|13/08/2017 02:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Hà Giang vừa tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc đã được công nhận chỉ dẫn địa lý” nhằm tìm ra hướng đi hiệu để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ mật ong Bạc hà.

Hà Giang phát triển mật ong Bạc hà Mèo Vạc 

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang có gần 21.000 đàn, chiếm 62% số đàn ong trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, huyện Quản Bạ có hơn 2.300 đàn, Yên Minh có trên 3.400 đàn, Đồng Văn có hơn 7.000 đàn, Mèo Vạc có hơn 8.100 đàn.

Giá trị sản phẩm mật ong toàn tỉnh thu được năm 2016 đạt trên 22 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản phẩm mật ong của 04 huyện đạt trên 12 tỷ đồng; hiện nay có 05 doanh nghiệp, HTX phát triển chăn nuôi ong trên địa bàn 04 huyện; đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho 03 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện theo quy chế của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi của người dân còn hạn chế; việc sản xuất mang tính tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ nhu cầu thị trường; việc sử dụng nhãn mác cho sản phẩm mật ong tại 04 huyện vùng Cao nguyên đá chưa được thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng; chưa quy hoạch vùng nguyên liệu cho nuôi ong trong tỉnh, để đảm bảo đủ thức ăn cho đàn ong trong cả năm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp thống nhất về tem nhãn mác sản phẩm mật ong của 04 huyện vùng cao, công tác quản lý chất lượng sản phẩm và bảo tồn, phát triển giống ong nội, diện tích giống cây hoa bạc hà; quản lý, ngăn chặn giống ong từ nơi khác vào khu vực bảo tồn. Nâng cao vai trò của hiệp hội nuôi ong của 04 huyện vùng cao.

Sản phẩm mật ong bạc hà là một trong 5 sản phẩm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và là sản phẩm chủ lực của 04 huyện vùng cao cũng là nguồn thu nhập của người dân và phát triển du lịch. Do đó phải được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền địa phương; Trên quan điểm của tỉnh là giao cho các huyện chủ động trong công tác quản lý và quy hoạch phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm mật ong bạc hà theo một loại sản phẩm đồng nhất.

Trên cơ sở đó 04 huyện vùng cao tiến hành thành lập và vận động 100% số hộ nuôi ong vào HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích, có kế hoạch thu mua sản phẩm mật cho các hộ nuôi ong, đồng thời thống nhất về giá để nâng cao giá trị sản phẩm.

Chỉ đạo 100% số xã, thôn bản tiến hành họp dân ký cam kết không cho các đơn vị, cá nhân hợp đồng đưa ong ngoại vào nuôi trên địa bàn, có biện pháp đấu tranh kiên quyết để giữ vững chất lượng, thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang ban hành ngay hướng dẫn, quy trình kỹ thuật khép kín cho các hộ nuôi ong đảm bảo cho ra một loại sản phẩm mật ong đồng nhất, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn chất lượng mật ong cụ thể, tham mưu cho tỉnh triển khai kế hoạch bảo tồn nguồn gen đàn ong nội.

Giao cho Sở Công thương tỉnh Hà Giang cung cấp tem, nhãn mác cho các huyện và thống nhất tất cả sản phẩm mật ong 4 huyện phải có tem và logo chỉ dẫn địa lý, kèm theo các quy định về quản lý cụ thể, chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức đợt tổng kiểm tra các sản phẩm mật ong trên địa bàn.

V.Bính (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi nào cho mật ong Bạc hà Mèo Vạc?