Hươu cao cổ bên bờ vực tuyệt chủng

Phạm Huyền (t/h)|14/12/2016 04:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) trong vòng 30 năm qua tổng số lượng hươu cao cổ đã giảm mạnh từ khoảng 152.000 xuống khoảng 97.500 vào năm ngoái.

Hươu cao cổ là loài động vật ăn lá cổ dài, trải rộng khắp miền Nam và miền Đông châu Phi, một số ít sinh sống tại miền Tây và miền Trung châu Phi. Trong số chín loài hươu cao cổ khác nhau, ba loài có số lượng tăng lên, năm loài suy giảm mạnh và một loài giữ số lượng ổn định.

Nghiên cứu mới đây của Liên minh bảo tồn quốc tế (IUCN) đã chỉ ra rằng, số lượng hươu cao cổ trên phạm vi toàn cầu đã giảm tới 40% , con số này đã khiến hươu cao cổ chính thức được liệt vào danh sách “Sắp nguy cấp” (Vulnerable) trong Sách Đỏ. Ước tính năm 1985, có khoảng 152.000 cá thể tồn tại trên thế giới thì đến 2015, số lượng chỉ còn 97.500 cá thể.

Đây là lần đầu tiên, IUCN xếp hươu cao cổ vào danh sách loài động vật  có nguy cơ tuyệt chủng, đi ngược với mức đánh giá “không đáng quan ngại” trước đó khi việc giảm đáng kể số lượng loài này tại nhiều vùng rộng lớn thuộc khu vực phía Nam sa mạc Sahara hầu như không được chú ý tới.

huou-cao-co

Sốlượng hươu cao cổ giảm nhanh trên toàn cầu

Theo IUCN, loài hươu cao cổ đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do việc mở rộng diện tích nông trại để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho số lượng người dân đang ngày càng gia tăng và do bị giết hại để xẻ thịt, thường ở các khu vực xung đột như Nam Sudan. Bên cạnh đó, nguy cơ này còn xuất phát từ nguyên nhân hạn hán và biến đổi khí hậu.

Ông Julian Fennessy – đồng chủ tịch tập đoàn Okapi và SSC của IUCN cho biết, vì hươu cao cổ khá phổ biến trong các công viên hoang dã, trong vườn thú và các phương tiện truyền thông, thế nên chúng ta – bao gồm cả các nhà bảo tồn – không để ý rằng loài vật này đang tuyệt chủng trong thầm lặng“.

Ngoài hươu cao cổ, loài sư tử ở Châu Phi cũng được đề nghị cho vào Sách đỏ để bảo tồn. Từ năm 1990, quần thể sư tử ở khu vực Tây, Trung và Đông Phi suy giảm nhanh chóng, một số quần thể thậm chí đã được xác nhận tuyệt chủng. Hơn thế nữa, với hiện trạng bảo tồn hiện tại, khoảng 50% số lượng sư tử tại Tây, Trung và Đông Phi được dự đoán sẽ biến mất trong hai thập kỉ tới.

Các chuyên gia nghiên cứu loài sư tử từ 5 viện nghiên cứu đã phân tích xu hướng biến động về số lượng của 47 quần thể sư tử tại châu Phi và kết luận sư tử tại Tây và Trung Phi đang trong tình trạng nguy cấp. Quần thể sư tử tại Đông Phi, bao gồm cả các quần thể tại những “thành trì” vững trãi cho loài sinh vật này như Maasai Mara tại Kenya cũng đang suy giảm nhanh chóng. Chỉ có 4 quốc gia Nam Phi là Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe là vẫn còn duy trì hoặc gia tăng quần thể sư tử.

Trên thực tế, hầu hết các quần thể sư tử đã từng có số lượng trên 500 con đang giảm xuống. Việc suy giảm này có thể gây ra những tác động nghiêm trọng bởi vì sư tử giữ một trong những vị trí chủ chốt trong hệ sinh thái.

Phạm Huyền (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hươu cao cổ bên bờ vực tuyệt chủng