Huyện Gò Quao (Kiên Giang): Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

Quốc Tuấn|24/07/2018 07:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Qua hơn 2 năm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Gò Quao (Kiên Giang) đã tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, phát triển bền vững gắn với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tính năm 2018 đạt 4.221 tỷ đồng.

Hiệu quả mô hình sản xuất khóm sử dụng chế phẩm sinh học tai huyện Gò Quao

Qua cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, từng bước cơ cấu lại đối tượng nuôi, vùng nuôi phù hợp; hình thành được một số mô hình, phương thức tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm 32,2%. Đối với phát triển thủy sản, huyện tập trung rà soát, tổ chức thực hiện tốt công bố quy hoạch sản xuất, cơ cấu lại thủy sản theo hướng chuyển dịch cơ cấu tập trung nuôi là chính. Hình thành các mô hình nuôi ngày càng đa dạng, phù hợp địa phương, như: Nuôi ghép (tôm sú-thẻ-càng); nuôi tôm thẻ mật số cao trong mô hình tôm-lúa, nuôi tôm sú sạch trong mương khóm; nuôi thủy sản nước ngọt trên ruộng lúa, nuôi lươn, cá chạch lấu…

Đến nay, tổng sản lượng thủy sản đạt 15.655 tấn (khai thác 1.600 tấn, nuôi trồng 14.055 tấn) tăng 4.081 tấn so với năm 2015; giá trị lĩnh vực thủy sản năm 2018 ước đạt 579 tỷ đồng.

Theo ông Ngô Hen – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao, qua hơn 2 năm triển khai quy hoạch, tổ chức sản xuất đã bám theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước định hướng sản xuất nông nghiệp của huyện theo kế hoạch đề ra, hạn chế việc sản xuất phát sinh ngoài quy hoạch, nhất là việc tranh chấp trong sản xuất nuôi tôm và trồng lúa; giảm diện tích sản xuất lúa vụ ba ở những địa bàn kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế, như hồ tiêu, cây ăn trái, khóm.

Cùng với đó, huyện tập trung phát triển nông nghiệp một cách toàn diện theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với phát triển bền vững, đến năm 2020 đưa tỷ trọng nông – thủy sản chiếm 45% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của huyện gắn với thương hiệu của các doanh nghiệp và kết nối thị trường tiêu thụ. Cơ quan chuyên môn làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư đầu vào (giống, vật tư, quy trình kỹ thuật), tổ chức bao tiêu đầu ra (thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) đảm bảo phân chia lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp.

Quốc Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gò Quao (Kiên Giang): Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu