Huyện Hòn Đất: Khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Quốc Tuấn|10/01/2019 03:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hòn Đất là một vùng đất anh hùng và những người con anh hùng của tỉnh Kiên Giang, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân liệt sĩ Phan Thị Ràng (tư Phùng) đã chiến đấu và hy sinh ngày 09/01/1962 khi mới 25 tuổi ngay tại dưới chân núi Hòn Đất. Theo ông Trương Văn Minh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng hy sinh nhưng tấm gương của chị sống mãi với lịch sử đất tranh quê hương cách mạng của quê hương Hòn Đất. Hình ảnh của chị đã trở thành niềm cảm hứng để nhà văn Anh Đức xây dựng nhân vật chị Sứ trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Hòn Đất” tác phẩm được dựng thành phim, làm rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước. Chị là biểu tượng cao quý của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, đó là sự kiên trung, bất khuất, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân...

– Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, huyện có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 4 di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong đó, Khu di tích lịch sử-thắng cảnh Hòn Đất là căn cứ cách mạng của tỉnh và của huyện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, huyện đang phát triển tập trung khai thác du lịch theo hướng: Du khảo về nguồn, tham quan thắng cảnh và du lịch văn hóa tâm linh.

>>> Những lý do khiến Quang Vinh mê mệt Bãi Kem, Mũi Ông Đội ở Nam Phú Quốc

>>> Hơn 100.000 lượt khách du lịch đến Huế trong dịp tết Dương lịch 2019

Hội cựu thanh niên xung phong huyện Hòn Đất và các em thuyết minh viên của trường THPT Phan Thị Ràng đang tham quan khu vực nhà trưng bày

Vượt qua cổng trào vào sâu trong khu di tích, du khách sẽ nhìn thấy hai tấm đá hoa cương có khắc tên tuổi của 967 liệt sĩ huyện Hòn Đất. Từ đó, bước xuống 37 bậc đá sẽ gặp mộ nữ liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng. Hàng năm, huyện thu hút từ 90.000 lượt khách đến tham quan; trong đó, dịp lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng thu hút trên 10.000 khách tham dự. Riêng năm 2018, địa phương thu hút trên 110.000 lượt người đến tham quan, du lịch; trong đó, khách đến thăm quan Di tích Lịch sử và thắng cảnh quốc gia Ba Hòn trên 90.000 lượt người, góp phần đem lại nguồn thu cho huyện, tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Di tích lịch sử Bia chiến thắng Sóc Xoài, di chỉ văn hóa Óc Eo tại Mỹ Hiệp Sơn, di tích kiến trúc văn hóa chùa tại xã Mỹ Phước, Đền thờ Hùng Vương, Đền thờ Trần Hưng Đạo…

Bên cạnh đó, huyện đang từng bước trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các điểm du lịch hiện có như: khu mộ Chị Sứ, khu Hòn Quéo, các hang Hòn, đồng thời nâng cấp các lễ hội văn hóa truyền thống của huyện; đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; xây dựng đường đê biển từ Cầu số 2- Hòn Đất; phát triển một số mô hình du lịch sinh thái ven biển; hình thành khu dịch vụ ăn uống tại Hòn Quéo; xây dựng Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tại núi Hòn Đất. Duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống như: nghề sản xuất dụng cụ sinh hoạt bằng đất nung, đan lác, làm đá thủ công… xoài cát Thổ Sơn, táo Sơn Bình, bí Vàm Răng và các đặc sản biển.

Người dân đến dâng hương tại đền thờ vua Hùng ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang

Tiếp đến, huyện có Trung tâm phát sóng phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương tại đỉnh Hòn Me, nằm trong quần thể Di tích Lịch sử và thắng cảnh quốc gia Ba Hòn. Nơi đây có nhà trưng bày chứng tích chiến tranh trưng bày cổ vật, tư liệu hình ảnh, hiện vật, các loại vũ khí sử dụng trong chiến tranh, nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ, tái hiện tội ác của giặc, cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng hào hùng của các thế hệ cha anh để giành độc lập dân tộc. Di tích Lịch sử và thắng cảnh quốc gia Ba Hòn còn có các hang động: Hang Quân y, hang Hàm Ếch, hang ông Cọp, Cà Rem, Sân Tiên… Mỗi hang là có nơi đóng quân của huyện ủy, huyện đội hoặc công trường sửa chữa vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Có thể nói, tiềm năng du lịch của huyện khá phong phú, đa dạng. Trong quá trình phát triển, huyện xác định: Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho du khách, cộng đồng dân cư và cả trong cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái để đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch. Quản lí chặt chẽ việc giữ vệ sinh, môi trường tại các điểm du lịch hiện hữu.

Cùng với đó, bảo vệ, phát triển và khai thác hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng và áp dụng các giải pháp năng lượng sạch. Kết hợp công tác bảo vệ môi trường với phong trào xã hội do các ngành, các cấp phát động, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn. Trong công tác quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch phải gắn với xây dựng thế trận quốc phòng. Quản lý, bảo vệ tốt vùng biển, đê biển và rừng ngập mặn, vừa phục vụ đời sống dân sinh, vừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Vì vậy, huyện có lộ trình, nghị quyết chuyển đề để lãnh đạo phát triển thế mạnh về du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 tổng lượt khách đến tham quan du lịch đạt trên 150 ngàn lượt người/năm. Đến năm 2030, nâng số khách du lịch lên trên 250 ngàn lượt/năm.

Quốc Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hòn Đất: Khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái