Indonesia: Trả lại gần 550 container rác thải nhựa về các nước phát triển

Phương Hiền (T/h)|25/09/2019 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không muốn trở thành bãi rác của các nước công nghiệp phát triển, Indonesia trả hàng trăm container nhập khẩu có chứa rác thải nhựa và các chất độc hại.

Động thái này của Indonesia nhằm thể hiện sự phản đối với các nước phát triển muốn biến Đông Nam Á thành bãi rác của thế giới.

Theo đó, 547 container chứa rác thải nhựa và các chất độc hại vào Indonesia theo đường nhập khẩu sẽ bị gửi trả lại nơi xuất khẩu trong vòng 90 ngày tới, bao gồm các nước Anh, Mỹ, New Zealand, Tây Ban Nha và Bỉ. Tuần trước, 9 container chứa ít nhất 135 tấn rác thải đã được giới chức Indonesia gửi trả về Úc.

Ông Heru Pambudi, Giám đốc hải quan Indonesia cho biết kể từ đầu năm đến nay giới chức nước này đã xử lý hơn 2.000 container có chứa rác thải nhập khẩu tại các cảng East Java, Jakarta, Tangerang và Batam.

Một container chứa đầy rác thải nhựa tại cảng Tanjung Priok, thủ đô Jakarta

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 331 container gửi trả về nơi xuất khẩu, 216 container khác đang hoàn tất thủ tục để gửi trả về Pháp, Đức, Hi Lạp, Hà Lan, Slovenia, Canada, Nhật Bản và Hồng Kong.

Hải quan Indonesia đang tiến hành kiểm tra gắt gao hàng nhập khẩu bởi rác thải đang bị “tuồn” vào nước này theo các container hàng hoá. Ông Heru cho biết, hải quan đã hoàn tất hồ sơ để gửi trả 91 container về nơi xuất khẩu là nước Úc. Trước đó, 60 container đã được gửi trả về đất nước chuột túi. Số container thay vì chứa giấy như giấy phép nhập khẩu thì chứa rác thải sinh hoạt, chai lọ đã qua sử dụng, đồ điện tử cũ hỏng, giày dép cũ và thậm chí là cả tã lót đã qua sử dụng.

Ông Heru cho biết, tất cả các doanh nghiệp Indonesia nhập khẩu rác thải từ quốc gia khác phải chịu trách nhiệm gửi trả những container này về nơi xuất khẩu trong vòng 90 ngày tới.

Hiện chưa có hình phạt nào được công bố. Theo luật của Indonesia, nhập khẩu rác thải độc hại là tội hình sự có thể phạt tù lên tới 12 năm và phạt hành chính lên tới gần 20 tỉ đồng.

Cuối năm 2017, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Điều này khiến các nước phát triển phải tìm “bãi rác” mới đó chính là các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Science Advances có sử dụng số liệu từ Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2030 các quốc gia phát triển cần tìm nơi để chứa 110 triệu tấn rác thải nhựa do lệnh cấm của Trung Quốc.

Hiện Indonesia và Trung Quốc là hai trong số những quốc gia tái sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Hoạt động này đang khiến mức độ ô nhiễm đất, biển, bờ biển ngày càng gia tăng.

Phương Hiền (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Indonesia: Trả lại gần 550 container rác thải nhựa về các nước phát triển