(Moitruong.net.vn

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, từ tháng 1 đến tháng 4-2016, tình hình khô hạn sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân tại TP HCM.

Nhiều mối lo

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cảnh báo hiện nay tình hình khô hạn đang diễn ra trên diện rộng khắp cả nước, trong đó ở Nam Bộ là rõ rệt nhất. Nguyên nhân do mùa mưa trong năm 2015 thiếu hụt từ 30%-40%, mưa trễ nhưng lại kết thúc quá sớm.

Hiện khu vực Nam Bộ, trong đó có TP HCM, đang bước vào thời điểm khô hạn nhất. Dù trong thời gian tới vẫn có mưa trái mùa nhưng xảy ra ít nên không đủ bù cho sự thiếu hụt nói trên. Sự khô hạn này vẫn còn tiếp tục diễn ra vào thời kỳ cao điểm ở các tháng tiếp theo cho đến hết tháng 4-2016.

Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP HCM, đo đạc về xâm nhập mặn tại huyện Nhà Bè vào tháng 12-2015 bình quân là 4,7‰, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 80% so với nhiều năm gần đây. “Nồng độ mặn sẽ tăng và dao động lớn hơn tháng trước. Từ nay đến Tết còn 2 đợt triều cường lớn nên xâm nhập mặn sẽ lấn sâu hơn vào trong nội đồng” – ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP HCM, dự báo.

Ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng), cho rằng trong năm 2016, các địa phương hạ lưu hồ Dầu Tiếng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino. Mực nước tích cao nhất của hồ hiện chỉ đạt 23 m (mực nước trong ngày 6-1 chỉ đạt 21,8 m), thấp hơn mực nước vận hành bình thường 1,4 m, tương đương với lượng nước thiếu hụt là 300 triệu m3.

“Chúng tôi đã chuyển nước từ hồ Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng với lưu lượng 50 m3/giây, chứ không lượng nước thiếu hụt còn lớn hơn. Lượng nước này vốn để phục vụ cho các vùng tưới mới nhưng hiện nay, do các vùng này chưa xây dựng xong nên mới có nguồn nước cứu nguy cho hồ Dầu Tiếng” – ông Đại diễn giải.

images1437950_kho_han_de_doa_tp_hcm

Vận hành Nhà máy Nước Thủ Đức 3 (quận Thủ Đức, TP HCM) sẽ tăng đáng kể lượng nước chống hạn cho TP HCM

Chắt chiu từng giọt nước

Trước tình hình trên, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan lên phương án khẩn, chủ động ứng phó.

Theo ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, mùa khô năm 2016, việc tiếp nhận Nhà máy Nước Thủ Đức 3 (quận Thủ Đức) và Tân Hiệp 2 (huyện Củ Chi) sẽ tăng đáng kể lượng nước đưa vào hệ thống. Do đó, khả năng dự phòng công suất của cụm Nhà máy Nước Thủ Đức và Tân Hiệp cũng sẽ được nâng lên, tạo thuận lợi cho việc điều tiết, phân phối nguồn nước sinh hoạt hợp lý và tiết kiệm.

SAWACO bảo đảm việc cấp nước ổn định, liên tục, không để xảy ra sự cố lớn gây thiếu nước sinh hoạt hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước. Bên cạnh đó, chuẩn bị các giải pháp cụ thể để sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra ở mạng lưới, đặc biệt là sự cố trên các tuyến ống chính. Chuẩn bị nguồn nước dự phòng, kiểm soát chất lượng nước trên toàn mạng…

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát tình hình nhiễm mặn, ô nhiễm. Cụ thể như khu vực Nhà máy Nước Tân Hiệp hiện đã có hệ thống quan trắc online, có thể theo dõi được mặn hoặc ô nhiễm ở từng mức độ để từ đó chủ động đưa ra phương án xử lý. SAWACO cũng sẽ phối hợp với Công ty Dầu Tiếng và Công ty Thủy điện Trị An để xả nước đẩy mặn khi cần thiết” – đại diện SAWACO cho biết.

Công ty Dầu Tiếng cùng Công ty Dịch vụ thủy lợi tỉnh Tây Ninh và TP HCM vừa đưa ra các kịch bản ứng phó hạn hán khác nhau. Các đơn vị đã thống nhất, nếu lượng nước về hồ tiếp tục giảm, Công ty Dầu Tiếng sẽ đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân hạn chế lượng nước tưới, hạn chế trồng lúa và chuyển sang cây trồng cạn như mía, mì… và không mở các vùng tưới mới. Trường hợp thời tiết cực đoan nhất, công ty sẽ ngưng nước tưới cho mục đích nông nghiệp, chỉ cấp nước cho mục đích sinh hoạt và công nghiệp vì ngành này có giá trị cao hơn. “Trong tình huống xấu nhất, chúng tôi vẫn bảo đảm cung cấp đủ 100% lượng nước cho hai mục đích này. Tuy nhiên, người dân cũng cần phải sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý hơn” – ông Bùi Xuân Đại khuyến cáo.

(Theo Người lao động)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khô hạn đe dọa TPHCM