“Khó khăn” nhân lực vận tải biển do lương thấp

Lê Mạnh|20/02/2019 22:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tàu neo chờ thủy thủ

– Chưa bao giờ nhân lực phục vụ cho ngành vận tải biển lại khó khăn như hiện nay. Do việc làm ít dẫn đến thu nhập kém, vì vậy đã có rất nhiều công nhân nghỉ việc nên dẫn tới khủng hoảng nhân sự tại các công ty vận tải biển. Có doanh nghiệp vận tải biển tuyển thợ máy, thuyền viên phục vụ (nấu ăn) cũng không thể tuyển nổi.

>> Việt Nam: Chế tạo thành công công nghệ làm đá từ nước biển

>> Gia Lai: Khẩn trương chống hạn cho cà phê

Ông Nguyễn Hải Đông – Trưởng phòng thuyền viên Cty TNHH vận tải biển T.N (Hải Phòng) than thở: “Bây giờ tìm thủy thủ khó hơn lên trời. Chả ai còn muốn đi tàu nữa do thu nhập không quá chênh lệch so với các công việc trên bờ khác, mà lại xa nhà, vất vả nguy hiểm,… Nhiều khi, chủ tàu phải chiều chuộng, nịnh nọt thuyền viên như “con cưng”, nếu làm việc gì vất vả hoặc việc phát sinh đều phải có bồi dưỡng bởi thuyền viên giờ “chảnh” lắm, hơi tý là bỏ việc. Vậy mà nhiều chuyến tàu, chúng tôi phải neo để chờ tìm thủy thủ. Mỗi ngày “phơi bụng” như vậy, doanh nghiệp thiệt hại ít nhất vài nghìn USD”.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận quý 4 và năm 2018Dù là “người hùng” một thời nhưng hiện tại, Vosco gặp khó khăn về tuyển nhân lực

Vosco (Cty Vận tải Biển Việt Nam) – địa chỉ vàng của sự hưng thịnh tại Hải Phòng thập niên 80 thế kỷ trước. Để đặt được một chân xuống tàu Vosco thời đó được xem như “trúng số độc đắc” bởi một người đi tàu Vosco có thể nuôi cả gia đình 10 người sống sung túc. Thế nhưng, gần 10 năm nay, Vosco chỉ còn lại cái bóng do vận tải biển đắm chìm trong bĩ cực. Thậm chí thời gian gần đây nhất, đơn vị này tuyển dụng nhân sự ở các vị trí: thợ máy, thuyền viên phục vụ (nấu ăn) cũng không thể kiếm nổi.

Theo một cán bộ ở đây cho biết, mức lương cho một vị trí nấu ăn trên tàu chạy các tuyến gần (tuyến nội địa hoặc các nước quanh khu vực) chỉ khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng, vị trí thợ máy cũng chỉ khoảng 10 – 11 triệu/tháng. Mức lương trên chỉ ngang bằng lương của một công nhân da giầy tại Hải Phòng. Trong khi đó, công việc của một thủy thủ phải vất vả, xa nhà và nguy hiểm. Thậm chí, cán bộ này vận động người nhà đi tàu còn bị từ chối: “Em thà đi làm công nhân cơ khí còn hơn đi tàu”.

GLS được biết đến là đơn vị vận tải biển làm ăn khá hiệu quả. Đây cũng là hãng tàu có mức lương trả cho người lao động thuộc top hậu hĩnh trong ngành vận tải biển trong nước hiện nay (thấp nhất trên 11 triệu/thủy thủ/tháng). Thế nhưng mấy năm gần đây, việc tuyển dụng nhân sự đi tàu ở đơn vị này khá khó khăn.

Sinh viên theo học ngành vận tải biển ngày một ít đi

“Hiện nay, đa số sinh viên học xong xuống tàu làm thủy thủ là người ở các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định,…do không tìm được việc trên bờ. Các sinh viên là người Hải Phòng hoặc các tỉnh lân cận thường tìm các công việc trên bờ khác vừa nhàn hạ lại đỡ xa nhà như chạy lệnh (làm dịch vụ thủ tục hải quan), vận tải trên bờ,…” vị đại diện này cho biết.

Nhiều năm qua, vận tải biển gặp khó khăn, do đó mức thu nhập ngành này đã không còn đủ sức hấp dẫn để hút người lao động. Với các doanh nghiệp vận tải biển trong nước, tình trạng này còn bi đát hơn do đuối sức cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài. Hiện mức lương khởi điểm trong ngành này tại các hãng tàu trong nước chỉ dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng, các hãng tàu Trung Quốc khoảng 15 triệu đồng/tháng và các hãng tàu Nhật Bản, Hàn Quốc trả cao hơn, khoảng 30-40 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, nhân sự tốt đã bỏ các hãng tàu trong nước để “đầu quân” cho hãng tàu nước ngoài. Bởi vậy, bức tranh nhân sự vốn đã ảm đảm chung lại “sẫm màu” với các doanh nghiệp trong nước.

Kém “thực” nên khó vực “nghề”

Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2018, đội tàu biển mang quốc tịch Việt Nam có 1.593 chiếc, trong đó có trên 500 tàu hoạt động tuyến quốc tế. Chỉ cần tính trung bình trên một tàu cần khoảng 15 người cho thấy nhu cầu nhân lực phục vụ ngành đi biển rất lớn.

Theo Quyết định 1517/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/8/2014 về quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 phải đào tạo và bồi dưỡng đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên. Trong đó, cần phải đào tạo mới khoảng 15.000 người, bao gồm 7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có. Cơ cấu đào tạo là khoảng 6.000 sĩ quan quản lý và 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải.

Thế nhưng, một thực tế chua xót hiện nay là có đến 60% – 70% ngành nghề đào tạo tại trường Đại học Hàng hải chuyên đào tạo về kinh tế và những chuyên ngành khác không thuộc lĩnh vực thay vì đào tạo về ngành nghề đi biển. Theo số liệu của trường này, một số chuyên ngành đào tạo như Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển đã giảm đến 10 lần trong 9 năm qua.

Một số chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã giảm đến 10 lần trong 9 năm qua

Cụ thể, năm 2009, ngành Khai thác máy tàu biển của trường này tuyển sinh được 400 sinh viên thì đến năm 2018, ngành này chỉ có 41 sinh viên theo học. Theo PGS-TS Phạm Xuân Dương – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: “Số lượng tuyển đầu vào của các ngành đi biển nói chung tại trường đang ngày càng giảm dần, nếu tiếp tục theo đà này thì thời gian tới chắc chắn sẽ không còn nhân lực trong nước để các doanh nghiệp tuyển dụng”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Đông (Cty TNHH vận tải biển T.N), hiện nay chất lượng đào tạo thuyền viên trong nước rất kém, hệt như đào tạo lái xe. Trình độ ngoại ngữ, ý thức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của thuyền viên rất kém. Thực tế, các hãng tàu nước ngoài vẫn trả lương khoảng 30 – 40 triệu động/tháng/thuyền viên. Tuy nhiên, yêu cầu ngoại ngữ, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của thuyền viên cũng được đòi hỏi rất cao. Chỉ số ít các thủy thủ có đủ trình độ đầu quân cho các hãng tàu nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp, sau khi tuyển được thuyền viên đã phải cho đi đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Lê Mạnh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khó khăn” nhân lực vận tải biển do lương thấp