Không chấp thuận cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp

(Theo ANTĐ)|05/04/2016 10:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

(Moitruong.net.vn)Đó là một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, sáng 5-4.

Sáng nay (5-4), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi, bao gồm 6 Chương, 61 Điều) trình Quốc hội thông qua.

img0682

Báo cáo của UBTVQH cho rằng việc quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là không phù hợp (ảnh minh họa)

Trước ý kiến đề nghị căn cứ vào thực tiễn cuộc sống, dự thảo Luật cần quy định cụ thể ba loại hình hoạt động của cơ quan báo chí bao gồm: Đơn vị được bao cấp toàn bộ kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp có thu và doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, Báo cáo cho biết: “UBTVQH nhận thấy, khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cụ thể cơ chế tự chủ về tài chính đối với từng loại đơn vị sự nghiệp công bao gồm cơ chế tự chủ hoàn toàn, một phần hoặc bao cấp toàn bộ kinh phí hoạt động như ý kiến đại biểu đã nêu”.

“Về ý kiến đề nghị cho phép cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, UBTVQH đã có Báo cáo số 1061/BC-UBTVQH13 giải trình trước Quốc hội, theo đó cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp, hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh. Hơn nữa, cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp có nhiều điểm khác cơ bản so với cơ chế thành lập, quản lý cơ quan báo chí. Như vậy, việc quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là không phù hợp. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật”, báo cáo cho biết.

Điều 21. Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí
1. Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.

Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản.
2. Nguồn thu của cơ quan báo chí bao gồm:
a) Nguồn thu từ cơ quan chủ quản báo chí cấp;
b) Thu từ bán báo, bán quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung;
c) Thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí;
d) Nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Cũng theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), quyền lợi của những người công tác trong ngành báo chí sẽ được nâng lên: Thời hạn cấp thẻ nhà báo lần đầu rút ngắn từ 3 năm xuống còn 2 năm; trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị khởi tố bị can, khi có kết luận không phạm tội của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải “trả lại” thẻ thay vì làm thủ tục “cấp lại” thẻ; bổ sung phóng viên, người làm báo chưa có thẻ nhà báo nằm trong đối tượng được quy định ở Điều 9 – Các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: Cấm hành vi “Đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”…

Cuối phiên họp sáng 5-4, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Theo đó, có 445 đại biểu tham gia, 442 đại biểu (bằng 89,47% tổng số đại biểu) tán thành thông qua.

(Theo ANTĐ)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chấp thuận cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp