Không được chủ quan lơ là trong phòng chống thiên tai, bão lũ

Hải Minh|22/05/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 22/5 là Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam, nhằm nhắc nhở các cơ quan chức năng, mỗi người dân chúng ta không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống thiên tai, bão lũ.

Nhận thức sâu sắc hiểm họa thiên tai, bão lũ với nước ta nên ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù đất nước còn chồng chất khó khăn, chính quyền cách mạng đã bắt tay khắc phục hậu quả lũ lụt trận lũ tháng 8/1945. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê ngày 22 tháng 5 năm 1946.

Để động viên nhân dân, cán bộ và chiến sĩ cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phòng chống thiên tai và thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với Hồ Chủ tịch, ngày 21/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 22/5 hằng năm làm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trước những khó khăn, gian lao bởi thiên tai, bão lũ thì tinh thần yêu nước, đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta lại được phát huy cao độ; nhân dân cả nước cùng chung sức, đồng lòng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng bị thiên tai; nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh quên mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trước những hiểm họa khôn lường của thiên tai, bão lũ, luôn nhắc nhở cho chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác. Theo đó, phòng chống thiên tai được Đảng, Nhà nước ta xác định:

Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của người đứng đầu địa phương và toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đề cao sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức và cá nhân.

Phòng, chống thiên tai lấy chủ động phòng ngừa là chính, đồng thời phải sẵn sàng ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phòng, chống thiên tai thông qua việc thực hiện các biện pháp tổng hợp, trong đó tập trung vào quản lý rủi ro thiên tai, có sự tham gia của các ngành, liên kết giữa các vùng, lồng ghép trong việc xây dựng và thực thi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài; bảo đảm giảm nhẹ các rủi ro hiện tại và phòng ngừa các rủi ro thiên tai mới.

Phòng, chống thiên tai thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” phát huy vai trò chủ động của các lực lượng tại cơ sở, theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai; chú trọng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học, phát huy kinh nghiệm truyền thống và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, không làm gia tăng rủi ro thiên tai mới, giảm thiểu rủi ro hiện hữu.

Năm nay, chúng ta phải phòng chống thiên tai, bão lũ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tin rằng khi ý thức, tinh thần lên cao, chúng ta sẽ không lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống thiên tai, bão lũ, cũng như phòng chống đại dịch COVID-19, để cho mỗi người dân và cộng đồng được an toàn.

Hải Minh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không được chủ quan lơ là trong phòng chống thiên tai, bão lũ