Không khí lễ hội đầu Xuân dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Hà Thu (T/h)|11/02/2019 08:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dưới đây là một số các lễ hội đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung – Nam

– Đi hội du xuân ngày đầu năm là một thú vui cũng là nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa không thể thiếu đối với người dân trên Việt Nam. Các lễ hội với nhiều tính chất khác nhau không chỉ là dịp để du ngoạn, vui chơi mà còn là dịp để mọi người nhớ lại những giá trị truyền thống của dân tộc.

>>> Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xuống đồng trong lễ hội Tịch điền năm 2019

>>> Thị trường vàng “tăng nhiệt” sát ngày Vía Thần Tài

Lễ hội chùa Hương

Chùa Hương là một di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc xã Hương Sơn – Mỹ Đức – Hà Nội. Thông thường lễ hội chùa Hương sẽ diễn ra từ ngày 6 tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước. Đến với lễ hội, du khách sẽ được tham gia vào hành trình về cõi Phật và ngồi thuyền đắm mình trong không gian của non nước mênh mông.

Chiều 9/2 (mùng 5 Tết) lượng du khách đổ về chùa Hương rất đông khiến khu vực suối Yến luôn trong tình trạng chật kín người qua lại.

Sáng 10/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) chính thức khai hội thu hút hàng vạn du khách thập phương về du xuân, vãn cảnh…

Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ có khoảng hơn 4.500 đò phục vụ du khách, công tác ANTT luôn được đảm bảo an toàn cho du khách. Những hiện tượng vi phạm quy định của lễ hội như: đổi tiền lẻ, chèo kéo, ép giá khách, kinh doanh dịch vụ mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình…sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Ban tổ chức ễ hội chùa Hương cho biết chỉ trong ba ngày Tết đã có gần 80.000 lượt khách trẩy hội, tăng 5.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (BTC Lễ hội chùa Hương) đã có kế hoạch hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền đúng nơi quy định, bố trí lực lượng trông giữ xe, phân luồng giao thông… Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ, ban tổ chức yêu cầu phải có biển hiệu rõ ràng, cầu không quảng cáo và chế biến thực phẩm từ động vật hoang dã, không treo móc thịt các loại trước cửa hàng gây phản cảm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được biết, mùa lễ hội năm nay, BTC Lễ hội chùa Hương đã miễn phí vé thắng cảnh cho du khách trong 3 ngày (từ ngày 30 tháng Chạp năm 2018 và mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019). Chỉ tính riêng hôm nay (mùng 5 Tết) đã có hơn 5.000 lượt du khách trong và ngoài nước về trẩy hội. Còn từ mùng 3 – 5 Tết Nguyên đán, theo thống kê của BTC đã có khoảng hơn 120 ngàn du khách đổ về Chùa Hương tham quan, vãn cảnh. Theo đại diện BTC Lễ hội chùa Hương cho biết, giá vé dịch vụ năm nay không thay đổi: Vé thắng cảnh 80.000 đồng/lượt, dịch vụ đò 50.000 đồng/người, gửi xe 9 chỗ trở xuống 40.000 đồng/lượt vào ban ngày, 60.000 đồng/lượt vào ban đêm, xe máy 2.000 đồng/lượt vào ban ngày, 5.000 đồng/lượt vào ban đêm.

Lễ hội chùa Bái Đính

Ngày 10/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã diễn ra lễ khai hội chùa Bái Đính Xuân Kỷ Hợi 2019.

Lễ khai mạc do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức với sự tham dự của đại diện Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương dự lễ.

Lễ rước kiệu lên chùa Bái Đính cổ. Ảnh: Ninh Đức Phương – TTXVN

Trong không khí hân hoan của lễ hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình – Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống khai hội chùa Bái Đính. Tiếp đó, đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các chức sắc đã dâng lục cúng, dâng hương bạch Phật, cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ khai mạc thu hút đông đảo du khách và phật tử thập phương tới dự. Ảnh: Ninh Đức Phương – TTXVN

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, tọa lạc ngay trong hang động núi Đính, là một danh lam nổi tiếng của đất trời Cố đô. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa Bái Đính cổ vẫn được trân trọng, giữ gìn cho đến ngày hôm nay. Để phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, chùa Bái Đính đã được mở rộng, xây dựng mới, trở thành trung tâm tín ngưỡng lớn của cả nước. Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Lễ hội chùa Bái Đính Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra từ nay đến hết tháng 3 Âm lịch.

Hà Tĩnh: Tưng bừng khai hội chùa Hương

Ngày 10/2 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi), UBND huyện Can Lộc phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Hồng Lĩnh tổ chức Lễ khai hội Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc) mở đầu một mùa du lịch tâm linh năm 2019 của tỉnh Hà Tĩnh. Về dự buổi lễ có lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo tăng ni, phật tử và du khách thập phương.

Nhiều hoạt động vui chơi giải trí dân gian như thi kéo co, đẩy gậy, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt bắt lợn… đang diễn ra sôi động.

Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu đã được xứng danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, là chốn bồng lai tiên cảnh với suối reo, đồi thông xanh mờ ảo trong làn sương khói mỗi sáng sớm cùng tiếng chuông chùa ngân lên khiến lòng người càng thanh tịnh.

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh không những là địa chỉ linh thiêng để người dân về đây hành hương, vãn cảnh mà còn là danh thắng nổi tiếng của đất nước ta. Nơi đây được Vua Minh Mạng chọn khắc vào một trong chín đỉnh đồng đặt ở sân Thái Miếu Kinh đô Huế. Lễ hội Chùa Hương là một nét đẹp văn hoá truyền thống, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh)

Lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những lễ hội đông vui nhất phương Nam. Lễ hội thường kéo dài từ đầu đến hết tháng Giêng, đón hàng triệu du khách từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc Nam bộ đổ về hành hương, lễ bái và thăm quan du lịch. Đoàn hàng nghìn người rồng rắn leo núi lên lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu là một trong những cảnh tượng quen thuộc đối với các du khách tới trẩy hội.

Điểm ấn tượng nhất khi tới lễ hội đền Bà Đen là văn hóa mộ đạo, không đặt nặng vấn đề cúng tiền. Du khách có thể lưu lại chùa một hai ngày, thưởng thức cơm chay, rồi tha thẩn lên đỉnh núi ở độ cao 380m nơi có Miếu Sơn Thần để ngắm mây vờn quanh chân và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.

Lễ hội Đền Bà Đen (hay còn gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu) diễn ra từ ngày mùng 10 đến rằm tháng Giêng hàng năm với hàng trăm ngàn du khách các tỉnh đều đến đây đi lễ, xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu.

Đền nằm trên lưng chừng núi cao khoảng 380m. Đền đến nay đã được trùng tu nhiều lần với con đường bậc thang cho người đi bộ từ chân núi đi lên.

Đền Đức Thánh Trần (TP.HCM)

Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng hàng năm, hội đền Đức Thánh Trần ở TP.HCM cũng là dịp để tri ân công đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ. Đi du lịch Sài Gòn vào dịp du lịch lễ hội, tham gia lễ hội Đức thánh Trần ở Sài Gòn, du khách còn được tham quan nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa đặc biệt ở nơi đây.

Hà Thu (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không khí lễ hội đầu Xuân dịp Tết Kỷ Hợi 2019