Khu bảo tồn biển Lý Sơn: Bảo tồn chỉ nằm trên giấy!?

Theo TNMT|07/08/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một góc khu bảo tồn ở Đảo Lớn, Lý Sơn, Quảng Ngãi

(Moitruong.net.vn) – Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, được UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định thành lập từ 12/1/2017 với tổng số nhân lực là 5 người. Nhưng đến nay, khu bảo tồn này vẫn chưa được trang bị bất cứ thiết bị nào phục vụ cho công tác chuyên môn khiến việc bảo tồn chỉ nằm trên giấy.

Bảo tồn từ xa

Lý Sơn được đánh giá là vùng biển có độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái điển hình như: rạn san hô, thảm cỏ biển và nhiều loại hải sản quý hiếm với tổng số 685 loài, trong đó có 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển…

Những năm gần đây, độ đa dạng sinh học ở vùng biển này đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức và bằng nhiều phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới kéo… Vì vậy, Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 và được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định thành lập từ tháng 1/2017.

Theo đó, Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thực hiện trên phạm vi 7.925ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113ha. Khu bảo tồn được chia thành 3 vùng chức năng gồm: vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều và rạn san hô có độ sâu từ 3- 20m; vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé, có diện tích gần 2.000ha, bảo vệ các loài sinh vật biển; vùng phát triển có diện tích 4.500ha gồm âu cảng và vùng biển xung quanh.

Quyết định cũng xác định rõ vành đai bảo vệ khu bảo tồn được xác lập trên 2.500ha xung quanh để đảm bảo an toàn trong quá trình bảo tồn biển. Các hoạt động như: bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác nguồn lợi sinh vật trái phép, phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi, nghiên cứu thăm dò khảo sát, khảo cổ, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng sẽ được triển khai trong chương trình bảo tồn biển.

Bất cập đầu tư
Mặc đù được thành lập đã gần 1 năm, tuy nhiên, theo ông Phùng Đình Toàn – Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn: ngoài nhân lực có 5 người, đến nay khu bảo tồn chưa được trang bị bất kỳ máy móc, trang thiết bị chuyên dụng nào để phục vụ công tác tuần tra, giám sát trong khu vực được giao quản lý.
Theo ông Toàn, từ trước đến nay, ngư dân thường xuyên sử dụng thuốc nổ, lưới kéo, súng điện để khai thác hải sản trong khu bảo tồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trong khu vực. Tuy nhiên, BQL khó phát hiện và không thể xử lý vì không có phương tiện, thiết bị tối thiểu như: ca nô, máy định vị, thiết bị lặn, camera dưới nước để thực hiện chuyên môn, theo dõi, bắt quả tang. Do vậy, đến nay, nhiệm vụ chính của BQL vẫn chủ yếu là tuyên truyền. Các hoạt động như: nghiên cứu, tuần tra, giám sát chỉ thực hiện…tại chỗ hoặc từ xa.
Đặc biệt, BQL dù đã được UBND tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng cụ thể; mặc dù vậy, mới đây, khi phát hiện ra sà lan của một doanh nghiệp tự ý đổ thải ra khu vực phía Bắc Đảo Lớn, thuộc phạm vi khu bảo tồn, BQL yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hành vi vi phạm, nhưng doanh nghiệp này vẫn phớt lờ. Chỉ đến khi BQL báo cáo, có chỉ đạo can thiệp từ UBND tỉnh, các ngành chức năng, doanh nghiệp mới tạm dừng đổ thải. Dù vậy, đến nay việc dọn dẹp bãi thải này vẫn chưa được xử lý.

Theo kế hoạch vốn trung hạn của UBND tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018- 2020, BQL khu bảo tồn biển Lý Sơn được phân bổ 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư các công trình NN&PTNN tỉnh lại lập dự toán xây dựng trụ sở làm việc và nhà trưng bày khu bảo tồn biển Lý Sơn. “Cái mà BQL cần là máy móc, trang thiết bị chuyên dụng để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn. Còn trụ sở, nhà trưng bày chưa thực sự cần thiết, bởi vì công tác nghiên cứu, bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi hải sản không đảm bảo thì lấy gì để trưng bày?”- ông Toàn đặt ngược lại câu hỏi.

Cần sử dụng nguồn vốn hợp lý
Trước yêu cầu cấp thiết của công tác chuyên môn, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu bố trí từ 3- 5,3 tỉ đồng để mua sắm, trang bị các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng cũng như thả phao phân vùng để ngư dân nhận biết được những khu vực khu bảo tồn.
Bên cạnh đó, BQL cũng liên hệ với các đơn vị nghiên cứu, bảo tồn trong và ngoài nước để chuyển vị trí một số loài sinh vật về khu vực bảo tồn biển Lý Sơn để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như tạo điểm nhấn trong thu hút du lịch. “Rất mong UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư bố trí nguồn vốn hợp lý, kịp thời để phục vụ tốt nhất công tác nghiên cứu, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn”- ông Phùng Đình Toàn, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đề nghị.

Theo TNMT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu bảo tồn biển Lý Sơn: Bảo tồn chỉ nằm trên giấy!?