Kiểm tra, giám sát 411 mẫu nông sản, thực phẩm

Thanh Bình|16/06/2017 07:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong 6 tháng đầu năm, TP Hà Nội tích cực thực hiện chương trình giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, nông sản, từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm

Thực hiện chương trình giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, cơ quan chuyên môn thành phố đã kiểm tra, giám sát và lấy 411 mẫu nông sản (gồm 42 mẫu thịt lợn, 35 mẫu thịt gà, 98 mẫu thủy sản, 100 mẫu rau, 41 mẫu quả, 18 mẫu chè, 77 mẫu sản phẩm đã qua chế biến). Hiện đã có kết quả phân tích của 302 mẫu (34 mẫu thịt lợn, 29 mẫu thịt gà, 68 mẫu thủy sản, 78 mẫu rau, 35 mẫu quả, 11 mẫu chè, 45 mẫu sản phẩm đã qua chế biến), trong đó, phát hiện 26 mẫu vi phạm, chiếm 8,6%, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mẫu còn lại đều đáp ứng các quy định hiện hành.

Nhằm cảnh báo nguy cơ đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao và kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện kiểm nghiệm nhanh 789 mẫu thực phẩm (706 mẫu nước tiểu, 48 mẫu thịt và các sản phẩm từ thịt, 35 mẫu thủy sản) tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, tập trung vào các chỉ tiêu tồn dư chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng. Trong quá trình xét nghiệm phát hiện 2 mẫu giò sống dương tính với hàn the. Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Theo đánh giá, việc giám sát an toàn thực phẩm, nông sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành. Phương thức giám sát là lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của một chỉ tiêu hoặc một nhóm chỉ tiêu đối với một sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.

Ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát không đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ quan giám sát thông báo bằng văn bản tới cơ sở có mẫu không bảo đảm an toàn thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, điều tra nguyên nhân, thực hiện hành động khắc phục và báo cáo kết quả về cơ quan giám sát. Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thanh Bình


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, giám sát 411 mẫu nông sản, thực phẩm