Kiên Giang: Chủ động ứng phó giảm thiểu ảnh hưởng của gió bão với nhà ở

Trương Anh Sáng|08/07/2018 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Để giảm thiểu những thiệt hại do gió, bão gây ra, Sở xây dựng tỉnh Kiên Giang vừa ban hành văn bản 977 hướng dẫn người dân những giải pháp kỹ thuật hợp lý từ quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, vật liệu đến thi công và giằng chống khi mùa bão tới.

Hình ảnh gia cố nhà

Theo đó, đối với nhà ở xây dựng mới, khi chọn địa điểm xây dựng, nên chú ý lợi dụng địa hình, địa vật để chắn gió bão cho công trình. Xây dựng nhà tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà nằm so le với nhau. Không nên xây dựng nhà tại những nơi trống trải, giữa cánh đồng, ven làng, ven sông, ven biển, trên đồi cao hoặc giữa 2 sườn đồi, sườn núi. Tránh bố trí các nhà thẳng hàng, dễ tạo túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm.

Kích thước nhà phải hợp lý, tránh nhà mảnh và dài. Đơn giản nhất là mặt bằng hình vuông và hình chữ nhật có chiều dài không lớn hơn 2,5 lần chiều rộng. Bố trí mặt bằng các bộ phận cần hợp lý, tránh mặt bằng có thể tạo túi hứng gió như mặt bằng hình chữ L, chữ T và chữ U. Tăng cường kết cấu xung quanh những phòng quan trọng, đòi hỏi an toàn nhất có thể làm chỗ trú ẩn cho người đang có mặt trong nhà khi xảy ra thiên tai, phải kết hợp hài hoà giữa không gian bên trong và bên ngoài nhà.

Về kết cấu tổng thể phải có liên kết chặt chẽ, liên tục cho các kết cấu từ mái tới móng theo cả 2 phương ngang và phương thẳng đứng. Ưu tiên hệ kết cấu gồm cột và dầm tạo ra một lưới không gian có độ cứng tốt. Nên dùng cột chống đứng bên trong nhà và những vùng mở rộng.

Hình ảnh gia cố nhà

Nền móng nhà phải được đầm chặt hoặc đóng bằng cọc tre, cọc cừ tràm… Móng nhà phải được dự đoán đủ sức chịu đựng các tải trọng tác dụng lên kết cấu. Sử dụng giằng móng để tạo khả năng chịu lực tổng thể theo các phương. Móng chịu được bão là móng đá, móng gạch đất sét nung xây bằng vữa tam hợp hoặc vữa xi măng. Tường nhà phải đảm bảo độ bền chịu gió đẩy và gió hút, chống lật, không bị biến dạng, phải đủ sức truyền tải trọng từ bên trên xuống móng qua các liên kết. Khi tường yếu phải có giằng chéo trong tường và các góc tường. Các bức tường gạch dài cần được tăng cường độ cứng bằng bổ trụ hoặc bố trí các dầm và các cột liên kết bằng bê tông cốt thép.

Tường chịu được bão là tường xây bằng đá, gạch đất sét nung và vữa xi măng và cát. Tường khung gỗ vách gỗ với hệ khung không gian có khả năng chịu gió bão tốt. Các loại tường khung gỗ tre, vách liếp tre có hoặc không lớp có lớp che (vừng lá dừa, vừng tôn…) chỉ nên coi là phương án tạm thời, do vậy phải thực hiện các giải pháp chống đỡ trước cơn bão.

 Mái nhà, nếu mái dốc phải có trần, độ dốc mái nên lấy từ 20° ÷ 30°. Kèo đỡ bằng gỗ nhóm  1 ÷ 2  mộng cứng. Giữa các kết cấu phải có giằng liên kết theo 2 phương đứng và ngang. Xà gồ, cầu phong, li tô phải neo chắc với kết cấu mái và tường hồi, nên có giằng chéo ở các góc mái.  Tấm lợp phải neo chặt vào xương mái. Nên sử dụng ngói có lỗ buộc, tăng cường liên kết của hệ kèo, xà gồ. Mái ngói thường phải có dây thép buộc. Vì kèo phải được liên kết xuống đến móng.

Hình ảnh gia cố nhà

Đối với nhà ở hiện trạng đang sử dụng, các nhà lợp ngói không neo đã xây dựng, có thể hạn chế hư hại bằng cách kê vữa phần mũi viên trên vào phần gáy viên dưới ở các vùng riềm mái 3 ÷ 4 hàng sát bờ nóc, bờ chảy và làm trần hiên bằng cót hoặc tre. Nóc mái bằng ngói bò hoặc gạch chỉ chèn kĩ bằng xi măng mác 50. Để chống tốc mái, xây hàng gạch chỉ chạy dọc theo độ dốc mái cách nhau 0,9 đến 1,2 m. Làm gác lửng sẽ tăng khả năng chống bão, có thể sử dụng thường xuyên và tăng độ cứng của nhà.

Kèo tre cho mái lợp đơn xơ (lá tàu, là dừa nước, cọ, rơm, …), chỉ có thể hạn chế thiệt hại bằng biện pháp chống đỡ trước cơn bão. Với mái lá, rơm, rạ… nên đan phên, cót ép… để tạo thành lưới ô vuông đặt trên mái. Ghìm và đè vào các thanh kèo bằng các cây tre, nứa. Cạnh mái phải được ghìm vào cầu phong, xà gồ hoặc kèo băng dây thép, lá tàu, là dừa nước, cọ, rơm.

Làm riềm mái tùy thuộc vào chiều dài nhô ra, có thể lựa chọn các giải pháp diềm mái có trần hoặc không có trần và xử lý kỹ thuật như sau: Khi mái đua ra < 30 cm, làm riềm mái bằng gỗ dày 15 mm; khi mái đua ra < 50 cm, ngoài việc làm riềm mái, còn phải làm thêm trần; khi mái đua ra > 50 cm, cần tách phần mái đua ra.

Cửa càng kín gió chống bão càng tốt. Tốt nhất là dùng bản lề chôn sâu vào tường hoặc dùng loại cửa đẩy, cửa lật… Khung cửa phải có thép đuôi cá và cửa phải được chèn cẩn thận vào tường. Cửa liếp, cửa gỗ cần gia cường thêm các thanh chữ z hoặc đóng đinh cẩn thận.

Như vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng của gió bão và lốc xoáy tới công trình bán kiên cố, ngoài việc chủ động lựa chọn giải pháp kỹ thuật thích hợp với địa hình, điều kiện nguyên vật liệu xây dựng tại địa phương để xây dựng, có thể sử dụng các biện pháp chống đỡ tạm thời chống tốc mái và tăng ổn định cho ngôi nhà.

Sức gió trong mùa mưa bão rất mạnh, sẽ gây ngã đổ cây cối, trụ điện, bứt bay những mái nhà cấp 4, giật sập những bức tường xây gạch 100mm vào phía trong nhà, đè người đang trú bên trong. Do vậy, các nhà dân kiên cố, các trụ sở, cơ quan, trường học… cũng phải chuẩn bị chủ động phòng chống bão khi có tin bão về địa phương. Chuẩn bị rào chống che chắn cửa kính, cửa sắt kéo… Dùng keo dán kính hoặc băng keo dán các kẽ hở của cửa kính cũng rất cần. Chỉ cần gió lọt vào một ít cũng đủ cho nó mở toang cửa vào thổi tung la – phông, thổi tung mái nhà… Lấy bao tải chứa cát khoảng 20kg chận lên mái tôn (cách nhau từ 1 đến 2m/bao) trên các đòn tay và nhất là rìa mái dọc và ngang của mái tôn, nếu cần thì dùng dây cáp choàng qua mái tôn và neo cọc xuống đất, cáp chằng cách nhau 2m có 1 sợi.

Trương Anh Sáng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Chủ động ứng phó giảm thiểu ảnh hưởng của gió bão với nhà ở