Kiên Giang: Đề nghị cắt luồng giao thông thủy để ứng phó hạn mặn

Mai An (t/h)|17/02/2020 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Xâm nhập mặn năm nay sớm hơn, sâu hơn và độ mặn cao hơn dự báo. UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn đề nghị cắt luồng giao thông đường thủy để giữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Ngày 16/2, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết vừa có công văn hỏa tốc gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam đề nghị cắt luồng giao thông đường thủy trên kênh Ông Hiển để giữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân mùa khô năm 2020.

Theo đó, vị trí cắt luồng giao thông đường thủy đoạn từ Kênh Cụt đến rạch Tà Niên (cách vàm Kênh Cụt về hướng rạch Tà Niên khoảng 1.350m thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) để đắp đập ngăn mặn.

Các ngành chuyên môn đánh giá, hiện nay, tại Kiên Giang mực nước trạm đầu nguồn và các trạm nội đồng giảm rất nhanh, mặn xâm nhập và nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt và nước sinh hoạt là rất lớn, sẽ ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và nước ngọt sinh hoạt của người dân trong vùng.

Sơ đồ cống ngăn mặn tạm tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: ATGT

Để chủ động và kịp thời ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là không để xâm nhập sâu, giữ ngọt ngăn mặn, phục vụ sản xuất vào mùa khô năm 2020, tỉnh Kiên Giang đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam tạo điều kiện cho phép cắt luồng giao thông đường thủy trong thời gian đắp đập và ngăn mặn.

Thời gian đắp đập ngăn mặn là từ tháng 2 đến hết mùa khô, khoảng tháng 5/2020. Điều này sẽ giúp giữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong cả mùa khô. Trong thời gian này, tàu bè sẽ được chuyển sang một luồng khác. Bên cạnh đó, Công ty Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang đã chủ động lấy dự trữ nguồn nước ngọt và các giếng dự phòng sẵn có, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, mực nước tại trạm đầu nguồn và các trạm nội đồng ở tỉnh Kiên Giang đang giảm rất nhanh.

Mai An (t/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Đề nghị cắt luồng giao thông thủy để ứng phó hạn mặn