Kiên Giang: Định hướng phát triển nghề nuồi trồng thủy sản trên biển

Quốc Tuấn|07/08/2018 11:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km, đây là một lợi thế lớn của tỉnh này trong việc phát triển kinh tế biển. Tận dụng lợi thế này, nhiều địa phương của tỉnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập cao. Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế ngành nuôi trồng thủy sản trên biển phát triển và góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh. 

Mô hình nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Hòn Tre

Để phát huy tiềm lực kinh tế ven biển, tỉnh Kiên Giang đã chú trọng vào nuôi cá biển.Nghề nuôi cá biển chủ yếu của tỉnh là loại hình nuôi cá lồng bè trên biển với một số loài cá như cá chim, cá mú, cá bóp… tập trung ở các huyện: Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Năm 2017, số lượng cá lồng bè trong tỉnh Kiên Giang có 2.848 lồng nuôi, sản lượng 2.720 tấn, tăng gần 1,4 lần so với năm 2013; kế hoạch năm 2018 là 3.000 lồng, sản lượng 3.200 tấn. Ngoài ra bà con nông dân các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Hòn Đất, thị xã Hà Tiên còn nuôi cá mú, cá chẽm gần 200ha trong ao đất. Gần đây có mô hình nuôi cá chim, cá hồng mỹ tại Phú Quốc theo công nghệ Na Uy, nuôi được xa bờ cho năng suất rất cao, khoảng 30 – 40 tấn/lồng. Nghề nuôi ngọc trai tại huyện đảo Phú Quốc đang duy trì và phát triển ổn định với diện tích nuôi 50ha. 6 tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp nuôi ngọc trai tại huyện đảo Phú Quốc thu hoạch 54.500 viên ngọc trai.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh có diện tích nước biển dồi dào, đây là điều kiện môi trường nước biển thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nguồn lao động đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trồng thủy sản ven biển. Tuy nhiên, nghề nuôi cá trên biển còn gặp nhiều khó khăn: con giống chưa chủ động sản xuất tại chỗ, thiếu số lượng; chuỗi liên kết sản xuất-tiêu chụ còn yếu. Bà con nông dân nuôi cá lồng bè hầu hết theo kiểu truyền thống bằng vật liệu gỗ nên rủi ro cao. Nguồn thức ăn cho cá trên biển chủ yếu cá tạp tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nhất là dịch bệnh lây lan trên thủy sản nuôi. Việc nuôi nhuyễn thể ven bờ dễ bị ảnh hưởng của môi trường bão, áp thấp nhiệt đối xảy ra gây thiệt hại trong quá trình nuôi.

Trước tình hình đó, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng đề án nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp hiệu quả, bền vững trên cơ sở bổ sung quy hoạch hiện tại của tỉnh; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ (Kiên Lương), sắp xếp lại các lồng bè nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chú trọng mô hình kinh tế hợp tác, nhằm đảm bảo quyền lợi và giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Cùng với đó, thực hiện công tác giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đúng quy định. Đồng thời, xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thương phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp điều kiện vùng nuôi.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chuyển dần sử dụng cá tạp làm thức ăn nuôi cá lồng bè sang thức ăn công nghiệp nhằm chủ động nguồn thức ăn và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương. Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thành lập các mô hình hợp tác trong nuôi cá lồng bè, tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến; hỗ trợ tập đoàn Thủy sản Minh Phú sớm triển khai, đưa vào hoạt động dự án “Khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh Kiên Giang”.

Quốc Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Định hướng phát triển nghề nuồi trồng thủy sản trên biển