Kiên Giang: Huyện đảo Kiên Hải nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Trương Anh Sáng|23/11/2019 14:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong 10 năm qua, xây dựng nông thôn mới đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống người dân. Tính đến cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của huyện là 52 triệu đồng/năm, tăng 26 triệu đồng/năm so với năm 2010.

Với sự hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện đảo, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Phát huy hiệu quả theo định hướng tập trung đồng bộ, tận dụng hết tiềm năng, lợi thế địa phương, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Hỗ trợ dụng cụ chứa nước hợp vệ sinh, các công trình “5 không 3 sạch”, công trình hố xí gia đình….

Thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện đã tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt, chế độ chính sách theo quy định. Các cấp ủy Đảng, Mặt trận và các đoàn thể đã giúp người dân nâng cao nhận thức, có ý thức tự giác phấn đấu vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Qua đó, giáo dục, y tế, dạy nghề, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa được nâng cao, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư đúng mức để tạo điều kiện cho người dân có điểm vui chơi, giải trí.

Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng hiệu quả hoạt động được nâng lên, an ninh chính trị được giữ vững, ổn định, tình hình vi phạm pháp luật trong những năm qua có chiều hướng giảm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà.

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới họp trao đổi, đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới của huyện Kiên Hải.

Tuy nhiên, trong thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế. Chủ yếu là do chưa có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Ban Chỉ đạo huyện đối với cấp xã trong triển khai thực hiện Chương trình; do đặc thù huyện đảo, điều kiện đi lại rất khó khăn nên công tác phối hợp giữa các ngành chuyên môn cấp huyện và các xã trong triển khai thực hiện chương trình đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo kịp thời; việc thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản còn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và sự tác động của giá cả thị trường làm ảnh hưởng đến sản lượng và giá trị sản xuất.

Bên cạnh đó, do địa hình đồi núi nên việc xây dựng các công trình giao thông nông thôn còn gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyên địa phương nên chưa chủ động xây cất, sửa chữa nhà ở đạt chuẩn theo quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Do đó, để xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến 2020, các cấp, ban ngành đoàn thể của huyện cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và bền vững đời sống vật chất và tinh thần của người dân; an ninh giữ vững ổn định; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh; nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Năm 2020 phấn đấu 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Khuyến khích các xã còn lại xây dựng kế hoạch thực hiện đạt chuẩn nâng cao. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách; lồng ghép, tranh thủ nguồn hỗ trợ ngân sách; tăng cường huy động nguồn lực từ cộng đồng, đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp,… để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời phát triển đa dạng các loại hình kinh tế có thế mạnh ở địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với dịch vụ-du lịch và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái biển. Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, đưa Kiên Hải trở thành vùng văn hóa, điểm du lịch hấp dẫn.

Đường giao thông nông thôn được nâng cấp thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Xây dựng kế hoạch phân kỳ thực hiện đạt các tiêu chí, đến cuối năm 2020 thu nhập >60 triệu đồng/người/năm, xây dựng các tuyến điểm để tạo cảnh quan môi trường; xử lý chất thải, rác thải có hiệu quả, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Phấn đấu đến 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 70 – 80 triệu đồng/năm; không còn hộ nghèo, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 11/13 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa; 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch.

Về nông nghiệp, nhân rộng các mô hình hiệu quả đã đầu tư, phối hợp các ngành, đoàn thể các cấp vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt các mô hình sản xuất quy mô lớn, đạt chuẩn VietGAP, GloBalGAP,… gắn với liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu hàng hóa theo hướng khai thác chuỗi giá trị. Kêu gọi doanh nghiệp, khuyến khích người dân phát triển nuôi biển theo hướng hiện đại, chống ô nhiễm môi trường. Thường xuyên phối hợp địa phương tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch,… của địa phương.

Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các trạm cấp nước cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân, các cụm dân cư. Phấn đấu 98% số hộ dân được sử dụng nước sạch; giải quyết vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, nước thải tại các chợ, khu dân cư tập trung và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “Sáng – xanh – sạch – đẹp” bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Huyện đảo Kiên Hải nỗ lực xây dựng nông thôn mới