Kiên Giang: Khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp sạch

Trương Anh Sáng|04/11/2019 08:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phát triển nông nghiệp – nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực hướng tới nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, phát triển bền vững.

Chưa phát huy đúng với tiềm năng. 

Kiên Giang có diện tích đất nông nghiệp 574,4 ngàn ha, chiếm 16,9% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Diện tích đất trồng lúa 381,5 ngàn ha, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 85,6 ngàn ha và diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản khoảng 28,4 ngàn ha.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế tỉnh Kiên Giang đã chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Mặc dù tỷ lệ đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng sản phẩm địa phương (GDP) ngày càng giảm nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn có chức năng tạo thành vùng đệm tạo cảnh quan môi trường trong lành phục vụ phát triển các loại hình dịch vụ tham quan, du lịch, tuy nhiên, hiệu quả và vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nông nghiệp, nông thôn đến nay vẫn chưa được phát huy đúng với tiềm năng phát triển bởi quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh, năng suất lao động, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này thấp.

Đồng thời, việc sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, thiên tai, bão, lụt, xâm nhập mặn,.. xảy ra thường xuyên gây thiệt hại cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa đúng với tiềm năng, thế mạnh. Mặt khác, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hoặc, có quan tâm nhưng chưa đầu tư nhân lực, tài chính để tự nghiên cứu, cải tiến thiết bị công nghệ cao mà chủ yếu là sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống cho nên chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp.

Nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và áp dụng theo quy trình VietGAP, do chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tương đối lớn. Do đó vẫn còn một số nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cấp cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn Công nghệ 4.0. Một số nhà đầu tư chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm, chạy theo năng suất, chưa chú trọng đến thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.Nhận thức của người dân về sản phẩm sạch và sản phẩm chưa sạch vẫnlẫn lộn trên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.Nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa thể tiếp cận một số chính sách hỗ trợ để áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất nông nghiệp. Nhà đầu tư “ngại” làm thủ tục đăng ký thực hiện các nhiệm vụ khi sử dụng ngân sách nhà nước do thủ tục phức tạp, chưa hình thành được thói quen phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ có những chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đó là ngân sách hỗ trợ 50% chi phí thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp. Trong trường hợp đặc biệt, đối với những dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua mức hỗ trợ kinh phí thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ nhà đầu tư một phần chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông,., trên địa bàn tỉnh, nhất là những vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao ngân sách Nhà nước ưu tiên lồng ghép bố trí vốn để đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, cấp thoát nước đến vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện, hỗ trợ tối đa không quá 70% chi phí đầu tư, tối đa không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp.

Hỗ trợ đầu tư đối với dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực hoa, rau, củ quả và sản xuất giống (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng) và dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp để đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, đóng gói, bảo quản sản phẩm, đầu tư thiết bị sản xuất, giống cây trồng vật nuôi và vật tư.

Mô hình trồng rau theo hướng an toàn ứng dụng công nghệ cao

Để khích lệ nhà đầu tư áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP là cơ hội mang lại lợi nhuận cao cho nhà đâu tư, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm sạch ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp tự thực hiện, trong đó:Ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp và thủy sản áp dụng VietGAP hoặc các tiêu chuẩn GAP khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ một lần 100% kinh phí nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp về tư vấn, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở áp dụng quy trình VietGAP hoặc các tiêu chuẩn GAP khác; biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ cho các lớp đào tạo, tập huấn. Hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP hoặc các tiêu chuẩn GAP khác. Hỗ trợ cơ sở sản xuất không quá 2 lần/doanh nghiệp, kinh phí thuê tổ chức tư vấn, đánh giá để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP hoặc các tiêu chuẩn GAP khác, hỗ trợ lần đầu 100% kinh phí nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp và hỗ trợ lần hai 50% nhưng không quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp.

Với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ, các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội tại địa phương góp phần hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp sạch