Kiên Giang: Sạt lở các đoạn đê biển đặc biệt nguy hiểm

Quốc Tuấn|19/06/2019 02:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều địa phương đã phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng người dân.

Tỉnh Kiên Giang có đường biển dài trên 200km, trong đó có 130 km đê biển, còn lại 70km là đường giao thông nông thôn kết hợp đê biển. Đê được xây dựng trên nền đất bồi ven biển, đắp bằng đất tại chỗ.

Theo thống kê hàng năm, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thường ảnh hưởng và xảy ra các loại hình như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, sạt lỡ, lốc, sét, mưa lớn, gió mạnh trên biển, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán. Cấp độ rỉ ro cao nhất xảy ra ở cấp 1, cấp 2; phạm vi ảnh hưởng một phần trên địa bàn tỉnh và toàn tỉnh đối với bão và áp thấp nhiệt đới. Hàng năm, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp các ngành liên quan kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, triển khai phương án tại các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Toàn tỉnh hiện có 8 trạm đo mưa tự động, 17 trạm đo mưa kết hợp đo mực nước, 3 trạm thủy văn cấp 3 (do mưa, mực nước và đo nhiệt độ), 1 trạm khí tượng thủy văn, 2 trạm khí tượng hải văn, 6 trạm đo năng. Các trạm được xây dựng kiên cố, trang thiết bị quan trắc tự động; riêng trạm đo mặn là đo thủ công và phân công cán bộ điều tra xâm nhập mặn trên các cửa sông chưa có công trình ngăn mặn. Đến nay, tuyến đê biển Rạch Giá-Ba Hòn đã đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ với 43 cống, cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát lũ-ngăn mặn phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai. Hoàn thành 3 khu neo đậu tránh trú bão tại các huyện: Kiên Hải, Hòn Đất, Châu Thành và đang thi công 1 khu tại sông cái Bé-Cái Lớn thuộc huyện An Biên-Châu Thành.

Tin cộng tác của Nguyễn Quốc Tuấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Hiện nay Kiên Giang cũng đang gặp thách thức nghiêm trọng, có tới 64,37 km bờ biển bị xói lở; trong đó có 31,21km xói lở đặc biệt nguy hiểm, 11,25km nguy hiểm và 21,91km đang xói lở. Ước tổng kinh phí để thực hiện các giải pháp xói lở bờ biển là 1.060 tỷ đồng. Đến nay, Trung ương chỉ hỗ trợ 50 tỷ đồng để triển khai giai đoạn 1 ở khu vực Mũi Rãnh (huyện An Minh). Người dân cho biết, dù muốn chuyển tới nơi khác cho an toàn, nhưng di dời thì không có tiền mua đất. Trong khi đó, chính quyền địa phương hiện cũng không có quỹ đất để tổ chức di dời. Hiện tại, khu vực bờ biển các huyện: An Minh, An Biên, Hòn Đất đang xảy ra sạt lở nặng nề.

Bên cạnh đó, tỉnh chưa được đầu tư xây dựng trạm đo thủy văn chuyên dùng và trạng bị xây dựng trạm cho hệ thống cảnh báo sớm như: Giông, sét… nên còn gặp khó khăn trong việc chỉ đạo, ứng phó do thiên tai gây ra. Hiện tại còn lại Cống T3-Hòa Điền (huyện Kiên Lương), Cống Kênh nhánh-thành phố Rạch Giá; tuyến đê biên An Biên-An Minh chỉ mới xây dựng được 6 cống, chuẩn bị khởi công 9 cống, còn lại 16 cống chưa có kinh phí đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.

Theo đồng chí Mai Anh Nhịn-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 160, ngày 23/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 76, ngày 18/6/2018 của Chính phủ. Tăng cường công tác tập huấn, diễn tập, tuyên truyền ở cấp cộng đồng; tăng cường chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp và người dân biết chủ động phòng ngừa, ứng phó. Chủ động điều tra đánh giá kịp thời các mặt thiệt hại do thiên tai gây ra; xác định nhu cầu cứu trợ ban đầu, đặc biệt là sự hỗ trợ về vật tư, kinh phí, giống cây cho các gia đình bị thiệt hại sửa chữa nhà cửa ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất và lập kế hoạch khắc phục hậu quả…Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác điều tra, dự báo, cảnh báo thiên tai.

Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí kịp thời để xử lý đoạn sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; trong đó ưu tiên xử lý đoạn sạt lở từ Tiểu Dừa đến kênh Chủ vàng với chiều dài 10km (huyện An Minh); đoạn bờ biển dài 4km từ Kênh 9 đến Kênh 5 chùa trên địa bàn huyện Hòn Đất; các đoạn sạt lở bờ biển nguy hiểm tại các xã: Bình Sơn, Thổ Sơn và Bình Giang (huyện Hòn đất). Tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư 16 cống còn lại để khép kín tuyến đê để bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch. Phân bổ vốn đầu tư phát triển cho tỉnh xây dựng hoàn chỉnh dự án để sớm bố trí di dời 90 hộ dân còn lại ở giai đoạn 2 ra khỏi khu vực sạt lở đá núi Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương (huyện Kiên Lương). Sớm tăng kế hoạch vốn đầu tư hàng năm đề đảm bảo chương trình củng cố, nâng cấp đê biển hoàn thành đúng kế hoạch nhằm đáp ứng công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Quốc Tuấn

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Sạt lở các đoạn đê biển đặc biệt nguy hiểm