Kiên Giang: Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Quốc Tuấn|19/11/2019 01:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Công văn số 1560/UBND-KTCN Về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, để tiêu diệt các loại mầm bệnh; thời gian thực hiện đồng loạt từ giữa tháng 11/2019 đến giữa tháng 12/2019. Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, lộ nông thôn, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu… việc phun, khử trùng được thực hiện sau khi đã vệ sinh cơ giới như quét dọn, rửa sạch.

Chuẩn bị đủ hóa chất để cấp cho các địa phương và hướng dẫn kỹ thuật thực hiện; riêng đối với những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.

Phối hợp UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng: Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường… xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo dịch bệnh; vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vi phạm trong kiểm dịch vận chuyển, giết mổ động vật.

Cán bộ thú y lấy mẫu giám sát cúm gia cầm tại chợ

Hướng dẫn cụ thể mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để người dân áp dụng; tuyên truyền rộng rãi trên báo đài, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện tiêm đầy đủ các vác xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kịp thời khai báo khi phát hiện dịch bệnh.

UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn quản lý. Riêng UBND thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành chỉ đạo UBND các xã giáp biên giới phối hợp với Chi cục Hải quan, Đồn Biên phòng giám sát hoạt động vận chuyển, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, kể cả hàng hóa trao đổi, quà biếu tặng của cư dân biên giới. Khi bắt được lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì tịch thu tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy báo cơ quan thú y lấy mẫu gửi xét nghiệm).

Chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh, số liệu heo buộc phải tiêu hủy và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai sót, gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện ở các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.

Quốc Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm