Kiên Giang: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Quốc Tuấn|18/05/2020 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tình hình mới.

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên các lĩnh vực. Trách nhiệm của các ngành, các cấp, của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên.

Tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn khó khăn thách thức; năm 2019, các ngành chức năng phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra 11.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 2.108 cơ sở vi phạm, đã xử lý, cam kết và phạt tiền 75 cơ sở (với số tiền 258.550.000 đồng), số còn lại được nhắc nhở việc tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Riêng trong quý I-2020, thanh tra, kiểm tra 4.776 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 872.cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý bằng hình thức nhắc nhỡ và hướng dẫn 755 cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm, phạt tiền 02 cơ sở với số tiền 7.000.000 đồng; tiêu hủy sản phẩm vi phạm 115 cơ sở với 225 loại với khối lượng 907 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế.

Kiên Giang tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Ngày 14/5/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Công văn số 654/UBND-VHXH tổ chức thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg, ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tình hình mới. Đồng thời, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, nhất là các tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; đẩy mạnh việc kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của các địa phương theo quy định. Phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tăng cường quản lý chợ an toàn thực phẩm, công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Lao động thương binh và xã hội, tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Công an tỉnh, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt điều tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm; chú trọng truyền thông để thay đổi hành vi, tập quán lạc hậu không bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng vào đối tượng sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Quốc Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới