Kiên Giang: Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền xây dựng nông thôn mới

Quốc Tuấn|07/01/2019 03:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo đồng chí Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đánh giá trong năm 2018, ngành nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục phát triển, đạt kết quả tốt nhất trong 4 năm qua. Hai lĩnh vực có đóng góp lớn và là thế mạnh của tỉnh Kiên Giang là nông nghiệp đạt 14.616 tỷ đồng, thủy sản đạt 6.737 tỷ đồng. Tổng sản phẩm GRDP toàn ngành ước đạt 21.528 tỷ đồng, chiếm 34,53% trong GRDP của tỉnh và đóng góp cho tăng trưởng chung 1,84%.

>>>Hà Nội: 11 ca bị phản ứng khi tiêm vaccine “5 trong 1” mới

>>>Kiên Giang: Hàng chục tàu, thuyền bị sóng đánh chìm do bão số 1

 Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Long (trái) trao bằng công nhận xã Vĩnh Thắng (Gò Quao) đạt chuẩn nông thôn mới .

Trong đó, tổng diện tích gieo trồng 728.415ha, sản lượng thu hoạch lúa cả năm đạt 4,26 triệu tấn (đạt 100,24% kế hoạch, tăng 4,96% so cùng kỳ), trong đó lúa chất lượng cao chiếm 76,54% tổng diện tích sản xuất. Triển khai thực hiện 213 cánh đồng lớn (tăng 44 cánh đồng so năm 2017), quy mô diện tích trên 75.000ha, tập trung ở các huyện như: Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Giang Thành. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 815.423 tấn, vượt 4,01% kế hoạch, tăng 6,82% so cùng kỳ (trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 73.390 tấn, vượt 6,36% kế hoạch, tăng 10,71% so cùng kỳ).

Tiếp đó, tỉnh đã thành lập mới 53 hợp tác xã, vượt 253% kế hoạch, 242 tổ hợp tác, vượt 202% kế hoạch, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 400 hợp tác xã, 2.153 tổ hợp tác và 1.044 trang trại. Thêm 11 xã được công nhận xã nông thôn mới, nâng tổng số toàn tỉnh có 51/117 xã và huyện Tân Hiệp được công nhận, đời sống của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên, thu nhập bình quân ước đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 0,45 lần so năm 2015. Đã giao khoán bảo vệ rừng được 8.604,5ha; khoanh nuôi tái sinh rừng được 609,3ha; chăm sóc rừng trồng 3.258,5ha; trồng rừng đặc dụng và phòng hộ được 1.350ha; trồng cây phân tán 500.000 cây các loại; phê duyệt và cấp phép khai thác cho 4 đơn vị và 100 hộ nhận khoán khai thác rừng tràm với diện tích 889,72ha,… Tỷ lệ che phủ rừng đạt 10,96%.

Nông dân huyện Hòn Đất thu hoạch lúa cánh đồng lớn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Anh Nhịn, đề nghị đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn cần đẩy mạnh cơ giới hóa, đổi mới công nghệ, ứng dụng rộng rãi cơ giới vào sản xuất, giải phóng hơn nữa sức lao động của nông thôn để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả để bà con nông dân thực hiện. Mùa khô năm 2018-2019, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và các địa phương cần gieo sạ và thu hoạch sớm vụ đông xuên, tránh thiếu nước; có phương án chủ động nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn. Lĩnh vực thủy sản, giảm dần sản lượng khai thái, tăng diện tích nuôi trồng, khai thác tiềm lực thủy sản nước ngọt và nước lợ; nghiên cứu các thủy sản nuôi biển; chấm dứt khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc nuôi chim yến theo quy định của tỉnh, tăng cường kiểm tra các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chim yến; tăng cường quản lý rừng, quản lý đất đai, chống chặt phá rừng.

Tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2018, ông Phạm Vũ Hồng-Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nêu rõ mục tiêu cụ thể giai đoạn 2019-2020, công nhận ít nhất thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 3 huyện nông thôn mới; tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng lên là 63. Các xã còn lại nâng lên từ 1-2 tiêu chí/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. Huyện nông thôn mới Tân Hiệp và Giồng Riềng, mỗi huyện có ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Quốc Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền xây dựng nông thôn mới