Kiên Giang: Xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai

Quốc Tuấn|12/08/2020 04:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đến năm 2045, Kiên Giang phấn đấu trở thành một tỉnh đảm bảo chống chịu được với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

Tỉnh huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định số 987/QĐ-TTg, ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng của thiên tai.

Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng được lực lượng phản ứng nhanh cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng chuyên nghiệp trên cơ sở các lực lượng hiện có để ứng phó kịp thời, hiệu quả. 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai từ tỉnh, huyện, xã được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đảm bảo 100% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an được huy động làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được huấn luyện, diễn tập kỹ năng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Có ít nhất 70% số xã trong tỉnh có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo việc cảnh báo, truyền tin thiên tai và xây dựng được các đội ứng phó thiên tai cộng đồng, tình nguyện viên; 70% đại diện số hộ gia đình được phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai; 100% số tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ trên biển được đưa vào tổ/đội sản xuất để hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển.

Cán bộ kiểm lâm tham gia trồng rừng ven biển

UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin-Truyền thông chủ trì, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai-Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng. Phối hợp, hỗ trợ các sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đổi mới về phương pháp, hình thức tuyên truyền, chú trọng mạng xã hội. Chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tới Nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở.

Sở Kế hoạch-Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các ngành, địa phương theo kế hoạch phối hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng địa phương trong tỉnh và xu hướng về biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan rà soát, hướng dẫn, kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo, điều hành và hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng chuyên môn hóa, đảm bảo sự tập trung, thống nhất; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai các cấp, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức biên chế.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương rà soát, cập nhật điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ phòng thủ dân sự vào Ban Chỉ huy cấp huyện, cấp xã và kiện toàn Ban Chỉ huy cấp huyện, cấp xã tương tự như Ban Chỉ huy cấp tỉnh, nhằm đồng bộ hệ thống tổ chức trong cả tỉnh, đáp ứng đồng thời 2 nhiệm vụ lớn là phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự, trên nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế.

Các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại. Rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai và nguồn nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt là các hình thức thông tin liên lạc có hiệu quả tại các tàu thuyền hoạt động trên biển và các vùng biên giới, hải đảo.

Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với đặc điểm rủi ro thiên tai, điều kiện từng vùng trong tỉnh, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm tập trung đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều, sạt lỡ bờ sông, bờ biển, khu vực trọng yếu; khẩn cấp di dời dân cư vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu và trang thiết bị chuyên dùng của cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai các cấp; đầu tư chương trình, bố trí, sắp xếp dân cư, nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Chương trình trồng rừng chống sạt lỡ bờ biển ở Kiên Giang

UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kế cấp hạ tầng (1) Đối với vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo an toàn nơi ở cho người dân, giảm nguy cơ xảy ra sạt lỡ, lũ. (2) Đối với vùng Tây sông Hậu, chủ động ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. (3) Đối với vùng U Minh Thượng chủ động ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lỡ bờ sông, bờ biển và bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt. (4) Đối với vùng hải đảo, bảo đảm an toàn hồ chứa và nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các các sở, ngành liên quan trực tiếp ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tập trung nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất công nghệ quan trắc, giám sát thiên tai, công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội theo chức năng nhiệm vụ của ngành, phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.

Quốc Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai