Kiên Giang: Ý thức bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế

12/02/2018 08:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Với nguồn nhân lực thực hiện bảo vệ môi trường còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư, kinh phí chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu và lạc hậu… là trở ngại lớn cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh.

Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa với công suất xử lý 200 tấn/ngày góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo số liệu thu thập, điều tra năm 2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường thì tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh  Kiên Giang rất lớn khoảng 980,38 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 577,38 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 403 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 395 tấn/ngày. Lượng rác được thu gom chủ yếu tập trung tại Thành phố Rạch Giá 160 tấn/ngày, huyện Phú Quốc 75 tấn/ngày, huyện Kiên Lương 50 tấn/ngày, thị xã Hà Tiên 45 tấn/ngày,…

Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý hợp vệ sinh tại Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa khoảng 200 tấn/ngày, chiếm 52% lượng rác được thu gom,48% lượng rác được thu gom còn lại (195 tấn/ngày) được đổ đống tại các bãi rác không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Thực trạng thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn còn rất khiêm tốn. Trang thiết bị, nhân lực, tài chính cho công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tại. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 nhà máy xử lý chất thải hợp vệ sinh Tâm Sinh Nghĩa tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất với công suất xử lý 200 tấn/ngày, chủ yếu xử lý rác thải của thành phố Rạch Giá và 04 huyện An Biên, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất. Các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh đều có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, nhưng các bãi chôn lấp này không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

Hầu hết rác thải nông thôn chưa được tổ chức thu gom, xử lý theo quy định, ngoại trừ một vài xã đã được công nhận xã nông thôn mới có tổ chức thu gom và xử lý bằng bãi rác lộ thiên (chiếm 3%), còn lại do hộ dân tự xử lý thec cách riêng (chiếm 97%). Theo số liệu điều tra, thống kê thì lượng chất thải rắn sinh hoạt ở vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang thì định mức phát sinh rác thải là 0,315 kg/người/ngày. Do đó, có thể ước tính được hiện nay vùng nông thôn toàn tỉnh thải ra 403 tấn chât thải rắn mỗi ngày. Trong đó, chỉ có khoảng 13 tấn CTR/ngày được thu gom, xử lý. Lượng còn lại, khoảng 390 tấn/ngày, chưa có biện pháp quản lý. Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được người dân tự phát thu gom đổ ra ao, hồ, mương, vườn, kênh, rạch, chỉ có một số ít hộ đào hố chôn sau vườn hoặc tự đốt rác. Đây là một trong những nguyên nhân chính góp phần gây ô nhiễm môi trường nước vùng nông thôn.

Ý thức bảo vệ môi trường nói chung và ý thức quản lý chất thải rắn của người dân vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, có đến 45% hộ dân ở các xã xây dựng nông thôn mới đổ chất thải rắn xuống sông, biển hoặc bất kỳ nơi nào nếu thuận tiện. Nếu tạm tính 45% của 390 tấn CTR/ngày thì mỗi ngày có khoảng 175 tấn chất thải rắn được đố bừa bãi, xuống sông, biển.

Theo dự báo đến năm 2020 thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 2.404 tấn/ngày, trong đó chất thải đô thị là 1.000 tấn/ngày và nông thôn 1.404 tấn/ngày và đến năm 2025 thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 3.344 tấn/ngày, trong đó chất thải thành thị là 1.727 tấn/ngày và nông thôn 1.617 tấn/ngày.

Kiên Giang có 05 khu công nghiệp (KCN) trong danh mục các khu công nghiệp Việt Nam được Chính phủ cho phép thành lập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích đất là 759 ha, gồm các KCN Thạnh Lộc 250 ha, KCN Thuận Yên 141 ha, KCN Xẻo Rô 200 ha, KCN Tắc Cậu 68 ha và KCN Kiên Lương II 100 ha, gắn với 05 KCN có 04 khu dân cư – tái định cư với diện tích 148 ha và 01 khu dịch vụ – thương mại với diện tích 69 ha. Các ngành công nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chế biến thủy hải sản, thực phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến gỗ nhỏ, xây dựng,…hầu hêt các cơ sở này năm xen kẽ trong khu dân cư, sẽ thải ra môi trường hàng năm hàng chục nghìn tấn chất thải, thành phần chủ yếu là vỏ đầu tôm, xương cá, đất, đá thải, bã vỏ trái cây, vỏ trấu, bao bì, gỗ vụn,…

Theo số liệu báo cáo từ các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, có từ 60 – 65 tấn chất thải rắn y tế (CTRYT) nguy hại phát sinh mỗi năm. Chất thải rắn y tế  nguy hại được thu gom và xử lý chiếm từ 70 – 99%. Tuy nhiên, số liệu ghi nhận được trong quá trình thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế có sự chênh lệch rất lớn so với số liệu báo cáo của các cơ sở y tế.

Toàn tỉnh có 17 bệnh viện đa khoa (BVĐK) và trung tâm y tế (TTYT) đang hoạt động. Có 15 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế đã được đầu tư lò đốt chất thải rắn y tế để xử lý chất thải rắn y tế tại chỗ. Còn lại 01 bệnh viện Y học cổ truyền chuyển chuyển chất thải rắn y tế sang BVĐK tỉnh xử lý, bệnh viện đa khoa Hà Tiên vận chuyển đến bãi rác Hà Tiên xử lý. Việc vận hành lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở y tế hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại. Công nghệ của các lò đốt chưa tiên tiến. Nhiều nơi, lò đốt đã xuống cấp hoặc hư hỏng thường xuyên. Kỹ thuật vận hành lò cũng chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức nên đốt không cháy được hoàn toàn chất thải cần đốt, kém hiệu quả, không đảm bảo quy chuẩn môi trường.

Theo Quyết định số 1418/ỌĐ-UBND thì đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang phải xây dựng 07 khu xử lý chất thải rắn vùng tỉnh và vùng huyện. Để xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch trên cần phải có nguôn kinh phí rât lớn, trong khi đó nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, không đủ để thực hiện.

Do đó, để có đủ kinh phí đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, UBND tỉnh đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư, kêu gọi xã hội hóa và đã ban hành chính sách ưu đãi trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới chỉ có Công ty TNHH Môi Trường Xanh Kiên Lương đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại huyện Kiên Lương với công suất 100 tấn rác/ngày; Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Toàn cầu đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác với công suất 200 tấn rác/ngày tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc có diện tích 10,5 ha.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Ý thức bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế