Kon Tum: Điều tra, thống kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh

Nguyễn Ngân (t/h)|01/10/2018 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản số 2650 ban hành kế hoạch điều tra, thống kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh, nhằm thống kê, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải tại địa phương.

>>>Yên Bái: Tạm dừng thăm dò tại mỏ đá Nà Kèn

>>>Nhật Bản cảnh báo sơ tán hơn 3,7 triệu người vì bão Trami

Khai thác khoáng sản là một trong những hoạt động sản xuất được điều tra (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Quá trình điều tra sẽ thống kê các chỉ tiêu liên quan đến nguồn phát sinh chất thải; đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng, xây dựng kiểm soát chặt chẽ chất thải, xây dựng cơ sở dữ liệu của địa phương phục vụ công tác quản lý về chất thải.Từ đó, phát hiện những nguồn thải lớn và xử lý, ngăn chặn những phát sinh nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum là cơ quan chủ trì trong việc thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền với các nội dung liên quan đến kế hoạch điều tra thống kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra, thống kê nguồn thải của tỉnh Kon Tum sẽ được báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Điều tra, thống kê nguồn thải sẽ được thực hiện đối với tất cả các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như: chăn nuôi; khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2020 và điều tra bổ sung các cơ sở mới phát sinh năm 2021. Phương thức điều tra là phỏng vấn trực tiếp bằng nhiều câu hỏi với nội dung thông tin về hoạt động sản xuất và chất thải phát sinh.

Nội dung điều tra, gồm: Tên chủ nguồn thải; địa chỉ trụ sở; địa điểm hoạt động; tọa độ khu vực sản xuất (trong khu công nghiệp, ngoài khu công nghiệp, làng nghề); Mã đơn vị; Người đại diện: (họ và tên người đại diện, điện thoại, Fax, Email), Giấy phép hoạt động (Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy phép đầu tư; Quyết định thành lập); năm hoạt động; loại hình hoạt động; các sản phẩm chính; công nghệ sản xuất; vật liệu sản xuất chính; hóa chất sử dụng chính; nhiên liệu tiêu thụ; lượng nước sử dụng; chất thải sinh hoạt, nước thải, khí thải; diện tích mặt bằng; tổng số cán bộ, công nhân; thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… bằng Mẫu Phiếu điều tra, nội dung Phiếu điều tra chi tiết theo hướng dẫn chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho đơn vị điều tra về các nguồn thải phát sinh tại cơ sở của mình theo yêu cầu tại các phiếu điều tra.

Nguyễn Ngân (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Điều tra, thống kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh