Lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm: Thiếu trọng tâm, trọng điểm

(Theo HNM)|18/05/2016 04:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

(Moitruong.net.vn) – Để tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát chất lượng từ sản xuất tới tiêu thụ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong đó là việc lấy mẫu dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

xet-nghiem

Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm đối với cửa hàng kinh doanh thực phẩm.

Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội.

– Trước yêu cầu về lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản đang ngày càng bức thiết, vậy năng lực của trung tâm đã đáp ứng được yêu cầu này chưa, thưa bà?

– Được thành lập từ tháng 8-2014 đến nay, trung tâm đã tập trung áp dụng khoa học – công nghệ vào công tác kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm và coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt của đơn vị. Với 3 bộ phận: Kiểm nghiệm hóa học; kiểm nghiệm vi sinh và chứng nhận sản phẩm, hoạt động kiểm nghiệm của trung tâm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã số phòng thí nghiệm; được Bộ NN&PTNT chỉ định là phòng kiểm nghiệm ngành NN&PTNT. Hiện nay, phòng kiểm nghiệm trung tâm đã thực hiện được 86 phép thử lĩnh vực hóa học, 49 phép thử sinh học về vi sinh vật; chỉ tiêu chất cấm, kim loại nặng, chất tồn dư bảo vệ thực vật, kháng sinh, hoóc môn tăng trưởng chất bảo quản… trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, đất, nước trên hệ thống thiết bị phân tích hiện đại… Với những tiêu chuẩn như trên, hiện trung tâm có thể đánh giá chất lượng được toàn bộ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Việc chứng minh chất lượng sản phẩm chỉ có thể minh chứng qua kiểm nghiệm bằng khoa học, vậy thời gian qua, việc kiểm tra lấy mẫu của trung tâm tiến hành như thế nào?

– Việc lấy mẫu sản phẩm là khâu hậu kiểm được thực hiện nhằm kiểm soát các quá trình sản xuất trong nông nghiệp. Hiện trung tâm có hai hoạt động độc lập. Một là hoạt động chứng nhận trồng trọt, chăn nuôi theo quy định VietGAP và chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn. Hai là hoạt động kiểm nghiệm: Trung tâm độc lập lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, sau khi có kết quả phân tích báo cáo Sở NN&PTNT để có chỉ đạo điều hành chung.

– Nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy mẫu giám sát chỉ thực hiện theo từng đợt và số lượng mẫu rất nhỏ không đại diện cho toàn bộ sản phẩm tiêu thụ trên Hà Nội và còn nhiều khó khăn, ý kiến của bà về việc này như thế nào?

– Thời gian qua, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp và việc lấy mẫu dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm nên chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Do sản xuất nông nghiệp còn chưa tập trung, nhỏ lẻ, việc lấy mẫu còn do nhiều đơn vị thực hiện nên việc kiểm tra lấy mẫu truy xuất nguồn gốc xuất xứ càng nan giải. Đơn cử như trồng rau trên một cánh đồng rất nhiều hộ cùng tham gia nên không thể đại diện cho địa điểm lấy mẫu, không đại diện cho toàn bộ sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Ví dụ như trong một đợt lấy mẫu trên địa bàn một huyện với kết quả phát hiện 3/10 mẫu có dương tính với thuốc bảo vệ thực vật, từ đó kết luận là 30% số mẫu lấy có kết quả dương tính với thuốc bảo vệ thực vật. Tuy con số không sai nhưng dễ gây hiểu nhầm, hoang mang cho người tiêu dùng. Số liệu này chỉ là cảnh báo cho các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tại vùng sản xuất.

– Để công tác lấy mẫu hoạt động có hiệu quả, thời gian tới các ngành cần làm những gì?

– Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội là đơn vị sự nghiệp nên cần có sự phối hợp của các đơn vị quản lý nhà nước trong Sở cùng các cơ quan liên quan trong thành phố và các tỉnh mới làm tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài kiểm tra thường kỳ và đột xuất các cơ sở xếp loại C, chưa đạt yêu cầu, Bộ NN&PTNT cũng cần có các thông tư hoặc văn bản hướng dẫn quy định về giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản cụ thể để dễ thực hiện. Đối với địa bàn TP Hà Nội, để việc giám sát đạt hiệu quả cao và đồng bộ, ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch tổng thể về giám sát nông sản hằng năm, với sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chuyên môn của ngành. Từ kế hoạch này sẽ có số liệu giám sát hằng tháng, hằng quý trên từng địa bàn cụ thể để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân về mức độ ATTP và các sản phẩm đang lưu hành.

Về góc độ trung tâm, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác chuyên môn để trong thời gian ngắn nhất trả kết quả phân tích, công bố những mẫu không đạt tiêu chuẩn nhằm kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

– Xin cảm ơn bà!

(Theo HNM)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm: Thiếu trọng tâm, trọng điểm