Lên kế hoạch ứng phó với nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo trên Vịnh Hạ Long

Hạnh Mai (T/h)|15/04/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phân vùng nguy cơ trượt lở ở khu vực Vịnh Hạ Long để làm cơ sở giúp chính quyền xây dựng quy hoạch, kế hoạch thích ứng.

Một trong những vấn đề “nóng” của Vịnh Hạ Long là tính toàn vẹn của các giá trị di sản, cụ thể ở đây là tính toàn vẹn của hệ thống các đảo trong phạm vi khu di sản.

Theo báo cáo của Ban quan lý Vịnh Hạ Long, trượt lở đã xảy ra trong thời gian gần đây làm mất một phần, thậm chí toàn bộ một số đảo trên Vịnh, điển hình như các hòn 649 năm 2013, hòn Thiên Nga năm 2016…

Hợp tác với các cơ quan tư vấn chuyên ngành, Ban quản lý Vịnh Hạ Long bước đầu đã có một số biện pháp kịp thời như triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất các biện pháp thích hợp nhằm giảm nhẹ, khắc phục hậu quả các tai biến địa chất.

Các nhà khoa học đã phân chia được 5 cấp độ nguy cơ trượt lở tại các đảo trên vịnh Hạ Long

Trên cơ sở điều tra khảo sát, các nhà khoa học đã phân chia được 5 cấp độ nguy cơ trượt lở.

Cụ thể, đối với các đảo đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm 66,6% diện tích, nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 25,6% diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm 7,9% diện tích.

Đối với các đảo đá hệ tầng Cát Bà, nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm 45,71% diện tích, nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 47,81% diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm 6,47% diện tích.

Trượt lở các đảo ở Vịnh Hạ Long là một quá trình/hiện tượng địa chất chủ yếu là tự nhiên, chỉ trở thành tai biến khi gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, cơ sở vật chất và môi trường.

Song trượt lở các đảo ở Vịnh Hạ Long làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các giá trị di sản, và vì thế rõ ràng là một dạng tai biến địa chất.

Nghiên cứu nguy cơ trượt lở trên các đảo để các cấp chính quyển có kế hoạch ứng phó hiệu quả

Qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã xác định tổng cộng được 456 điểm đã và đang có nguy cơ xảy ra trượt lở, trong đó 288 điểm trên các đảo đá hệ tầng Bắc Sơn, 168 điểm trên các đảo đá hệ tầng Cát Bà.

Các nhà khoa học tiến hành chồng ghép bản đồ hiện trạng trượt lở lên các bản đồ thành phần đã được thành lập, từ đó phân tích, đánh giá ảnh hưởng của từng yếu tố, phân chia thành các cấp độ phù hợp để phục vụ việc thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo.

Bản đồ phân cấp mức độ nhạy cảm chỉ số thống kê tích hợp đa biến (LSI) được phân ra 5 mức độ nhạy cảm đối với cả hai hệ tầng đá vôi, tương ứng với các cấp độ nguy cơ rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao.

Các đảo đá vôi hệ tầng Bắc Sơn chủ yếu có nguy cơ trượt lở đổ lở rất thấp đến thấp (chiếm đến 2/3 diện tích). Nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 1/4 diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm chỉ khoảng 8% diện tích.

Tương tự như vậy, đối với các đảo đá vôi hệ tầng Cát Bà nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm khoảng 45% diện tích; nguy cơ trượt lở trung bình chiếm khoảng 48% diện tích; và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm khoảng 7% diện tích.

Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu nêu trên, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản kiến nghị các khu vực có nguy cơ trượt lở cao và rất cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoặc cắm biển cảnh báo, hạn chế người và các phương tiện qua lại, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Hạnh Mai (T/h)

Bài liên quan
  • Ô nhiễm vây quanh vịnh Hạ Long
    Moitruong.net.vn – Vịnh Cửa Lục nằm phía trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm các nhà máy xi măng, nhiệt điện, các cảng than bủa vây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lên kế hoạch ứng phó với nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo trên Vịnh Hạ Long