Liên kết vùng để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Trương Anh Sáng|12/12/2017 23:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và 5 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang cần chú trọng sự phát triển mang tính liên kết cao và bền vững như: Nâng cao tính bền vững môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng; Đảm bảo hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Hành động tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Giai đoạn 2016 – 2020 và 2021 – 2025, trên cơ sở Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đưa ra các mục tiêu cụ thể về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, qua đó góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân;  sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, mở mang các ngành nghề thân thiện với môi trường và các dịch vụ sinh thái.

Hợp tác và liên kết vùng có tầm quan trọng to lớn phát huy tối đa tiềm năng kinh tế – xã hội của khu vực cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bởi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ sống còn do nước biển dâng cao gây mất diện tích đất nông nghiệp và cư trú, gia tăng rủi ro thiên tai, suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn, sạt lở vùng ven biển và ven sông, xâm nhập mặn.

Do đó, các địa phương cần trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau để cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu đó là đẩy mạnh hợp tác, tài trợ quốc tế đa phương và song phương về xây dựng mô hình phát triển xanh, mô hình sinh thái, phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh của vùng; đồng thời, liên kết phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh với phát triển khoa học, công nghệ của vùng và khu vực; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các cụm, ngành kinh tế trọng điểm.

Ông Võ Doãn Dụng, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho rằng  cần nâng cao năng lực triển khai các hoạt động tăng trưởng xanh của đội ngũ cán bộ từng cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã,  đồng thời, phải có hợp tác liên kết vùng giữa các tỉnh lân cận để cùng giải quyết những vấn đề chung như: dịch bệnh, môi trường, dự án đầu tư liên tỉnh, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp thì mới đạt hiệu quả cao. Được biết, nguồn vốn dành cho tăng trưởng xanh cho toàn vùng lên đến 120.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2016-2020 là khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, để phát triển bền vững cần phải có cách tiếp cận tổng thể để quy hoạch lại cho toàn vùng, trong đó quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi và giao thông là trọng tâm gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các hợp phần kinh tế khác; Quy hoạch lại hệ thống đô thị và dân cư gắn với cơ cấu kinh tế từng tiểu vùng và giải quyết vần đề lao động, di dân. Tạo ra cơ chế và chính sách hợp lý để huy động sự tham gia của các bên với nhận thức và đồng thuận cao.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin dữ liệu toàn diện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long;  Sớm ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư và phát triển chung cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tiểu vùng sinh thái.

Tái cơ cấu lại các ngành kinh tế trong vùng, xác định lại vai trò từng tỉnh trong phát triển kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các đập thủy điện phía thượng nguồn, sự phát triển thiếu bền vững thời gian qua là những thách thức lớn cản trở sự phát triển bền vững của Vùng trên nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Từ đó, tạo ra mô hình phát triển mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng và từng tiểu vùng, phát huy vai trò của văn hóa và con người Đồng bằng sông Cửu Long, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp với tri thức bản địa để biến thách thức thành cơ hội phát triển mới, ổn định, bền vững và thịnh vượng hơn trong thời gian tới.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết vùng để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững